- Hỗ trợ doanh nghiệp khi cước vận tải biển đi châu Âu, châu Mỹ tăng cao
- TP Thủ Đức tròn 3 năm vượt thách thức
- Trao 4.000 áo ấm cho học sinh miền núi Quảng Ngãi
- Hơn 100 em bé ra đời bằng IVF tại bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột
- Đã tìm thấy hai trong ba người mất tích nghi do cưa bom
- Phát hiện 500kg tiền chất thuốc nổ ở Gò Vấp
Hỗ trợ doanh nghiệp khi cước vận tải biển đi châu Âu, châu Mỹ tăng cao
Trước tình trạng cước vận tải biển với hàng container đi châu Âu, châu Mỹ tăng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, Bộ yêu cầu Cục Hàng hải bảo đảm hệ thống cảng biển thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời nghiên cứu, triển khai ngay các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải.
Đẩy nhanh thủ tục ra, vào cảng và việc xếp dỡ hàng hóa đối với tàu chở hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng container đi châu Âu, châu Mỹ.
Khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu để kêu gọi và thu hút các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.
TP Thủ Đức tròn 3 năm vượt thách thức
Tối qua 20/1, tại công viên bờ sông Sài Gòn, TP Thủ Đức tổ chức lễ kỷ niệm 3 năm thành lập (1/1/2021 – 1/1/2024) với chủ đề "Thủ Đức - Khát vọng vươn xa".
Dịp này, tập thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thủ Đức và ông Nguyễn Hữu Hiệp - bí thư Thành ủy TP Thủ Đức - đã đón nhận Huân chương Lao động hạng ba vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Hoàng Tùng - chủ tịch UBND TP Thủ Đức (TPHCM) - cho rằng TP Thủ Đức ra đời trong đại dịch COVID-19 với nhiều khó khăn, thách thức và trong điều kiện sáp nhập còn nhiều bề bộn. Dù vậy, cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ Đức đã vào cuộc xây dựng TP bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, sự dấn thân và tâm huyết.
Bộ mặt đô thị có nhiều chuyển biến mới: TP đã khánh thành cầu Long Đại, hợp long cầu Năm Lý, khởi động lại cầu Tăng Long, khởi công nút giao thông An Phú, đường vành đai 3, nút giao vòng xoay Mỹ Thủy giai đoạn 2. Năm 2024, TP Thủ Đức sẽ triển khai dự án thành phần 2 của đường vành đai 2.
Trao 4.000 áo ấm cho học sinh miền núi Quảng Ngãi
Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức chương trình Áo ấm cho học sinh miền núi, tặng áo ấm cho các em học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Sơn Tân (ở xã Sơn Tân, H.Sơn Tây, Quảng Ngãi). Hơn 4.000 áo ấm này là do các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức... ở TPHCM tài trợ, tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng.
Trong vòng 2 năm 2022 và 2023, tỉnh Quảng Ngãi đã phân bổ kinh phí 1.000 tỉ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, đồng bào thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo còn ở mức cao.
Hơn 100 em bé ra đời bằng IVF tại bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột
Tính đến thời điểm tháng 12/2023 đơn vị đã đón chào 100 em bé ra đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Còn tính đến thời điểm hiện tại, tổng số em bé chào đời nhờ thụ tinh ống nghiệm tại bệnh viện đã là 132 bé.
IVFMD Buôn Ma Thuột là là kết quả của quan hệ hợp tác giữa Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột và Hệ thống IVFMD. Thời gian tới, IVFMD Buôn Ma Thuột định hướng sẽ từng bước triển khai được tất cả các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chuyên sâu và hiện đại nhất đang được sử dụng trong nước và quốc tế, từ đó giúp thêm nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có niềm tin hơn trong việc điều trị hiếm muộn ngay tại quê hương, mà vẫn đảm bảo chất lượng điều trị và tỉ lệ thành công cao.
Trải qua 2 năm xây dựng và trưởng thành, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã bước vào hoạt động quy củ và chuyên nghiệp. Hiện bệnh viện có 200 giường bệnh với hơn 500 cán bộ, nhân nhân viên tận tâm cùng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại.
Đã tìm thấy hai trong ba người mất tích nghi do cưa bom
Tối qua 20/1, lãnh đạo huyện Năm Căn, Cà Mau cho biết đã tìm được thi thể hai nạn nhân N. và H. sau vụ nổ. Người dân phát hiện thi thể trôi dạt trên mé sông cách nơi xảy ra vụ nổ khoảng 1km nên báo chính quyền địa phương. Các cây mắm gần hiện trường bị trụi lá. Cửa kính nhà dân cách đó vài trăm mét bị vỡ nát.
Các nạn nhân mất tích được xác định là ông T. (42 tuổi), N. (33 tuổi) và H. (16 tuổi, cùng ngụ khóm Sa Phô, huyện Năm Căn). Gia đình ba người đều thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh rất khó khăn.
Ông T. lặn mò được quả bom nên kéo về để gần nhà. Ông đã định cưa quả bom nhưng bị vợ và một số người dân ngăn cản. Sau đó, nghi ông T. đã thuê hai người khác cùng xóm kéo quả bom qua khu vực vắng người trên sông Cửa Lớn thuộc xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển để cưa bằng cưa máy.
Phát hiện 500kg tiền chất thuốc nổ ở Gò Vấp
Hôm qua 20/1, Công an quận Gò Vấp (TPHCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với hai người đàn ông về tội "tàng trữ vật liệu nổ".
Trước đó, Công an quận Gò Vấp kiểm tra, phát hiện một căn nhà trên đường Phạm Văn Chiêu, phường 16 tàng trữ gần 500kg hóa chất thuộc danh mục tiền chất thuốc nổ, gần 100m dây cháy chậm, gần 900kg vỏ nhựa (hình quả banh các loại nhiều màu sắc), gần 1 tấn ống giấy hình trụ bằng các tông các loại, 11 thùng giấy màu đỏ với kích thước khác nhau… nghi vấn là nguyên liệu để sản xuất pháo lậu. Toàn bộ số hàng hóa trên không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh đó là 275 đơn hàng đã đóng gói sẵn chuẩn bị gửi đến khách hàng đặt mua pháo nổ ở nhiều địa phương trên cả nước và nhiều tài liệu, máy móc có liên quan. Số hàng trên của hai người đàn ông (cùng 32 tuổi, ngụ Tiền Giang). Cả hai khai nhận nắm bắt nhu cầu nhiều người muốn chơi pháo vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 nên đã tìm mua các nguyên liệu trên mạng và rao bán lại cho khách để hưởng chênh lệch.