Bộ Công Thương ưu tiên tập đoàn nhà nước làm điện gió ngoài khơi
Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, ưu tiên các tập đoàn kinh tế nhà nước làm thí điểm trong giai đoạn đầu.
Theo Quy hoạch điện 8, Việt Nam đặt mục tiêu công suất loại nguồn điện này đến năm 2030 đạt 6.000 MW, định hướng đến 2050 từ 70.000 – 91.500 MW.
Bộ Công Thương cho rằng chọn nhà đầu tư quốc tế là thiếu khả thi do các vướng mắc liên quan đến khung pháp lý, còn giao cho tư nhân trong nước đầu tư sẽ không đánh giá hết được các vấn đề quốc phòng, an ninh, giá, vướng mắc pháp luật.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã phân tích những mặt được và chưa được trong trường hợp giao cho các tập đoàn kinh tế nhà nước theo chỉ đạo của Phó thủ tướng.
Bộ Công Thương cho rằng nhà đầu tư tư nhân tham gia nhiều vào lĩnh vực điện nhưng chủ yếu là dự án điện truyền thống, hoặc năng lượng mặt trời, gió quy mô không lớn.
Bộ này cho hay hiện chưa nên giao tư nhân đầu tư thí điểm do chưa đánh giá hết các vấn đề, vướng mắc pháp lý.
Doanh nghiệp xuất khẩu tìm giải pháp khi cước vận tải biển tăng cao
Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các hiệp hội ngành hàng, logistics, chủ tàu, đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải, khuyến nghị các giải pháp thúc đẩy xuất, nhập khẩu trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng cao.
Các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và logistics được khuyến nghị tăng cường phối hợp, làm việc với các hiệp hội lĩnh vực logistics, chủ hàng, chủ tàu, dịch vụ hàng hải, nhằm nâng cao năng lực, tập hợp doanh nghiệp hội viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu với châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, vận tải đa phương kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu.
Hà Nội tiến tới ứng dụng AI vào quản lý nhà nước, y tế và phòng cháy chữa cháy
Thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý nhà nước, y tế và phòng cháy chữa cháy.
Mục đích của hội thảo là đưa ra các bài toán cấp thiết áp dụng AI trong lĩnh vực quản lý nhà nước, tăng cường công nghệ mới trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số và xã hội số.
Sở Y tế Hà Nội đang xây dựng đề án áp dụng AI để hỗ trợ một số lĩnh vực trong ngành y, mong muốn các chuyên gia gợi ý giải pháp áp dụng AI để hỗ trợ y bác sĩ trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên, theo GS Hoàng Tú Bảo, trước mắt Hà Nội nên tập trung ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế cộng đồng thì phù hợp hơn vào việc khám chữa bệnh.
Về vấn đề phòng cháy chữa cháy, GS Bảo cho biết Hà Nội có thể áp dụng giải pháp đơn giản, dễ làm như nhắn tin về điện thoại người dân để nhắc nhở người dân mỗi ngày, đặc biệt là buổi tối trước khi đi ngủ.
Hà Nội cần nghiên cứu các giải pháp cảnh báo cháy nổ ở ngõ nhỏ, phố nhỏ và dành nguồn lực ‘để mắt’ thường xuyên vấn đề cháy nổ ở khu vực này.
Thêm doanh nghiệp đề xuất mở tuyến xe buýt hai tầng tại TPHCM
Sở Giao thông vận tải TPHCM vừa báo cáo UBND TP về việc có thêm doanh nghiệp đề xuất mở tuyến xe buýt hai tầng thoáng nóc, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế đêm.
Công ty cổ phần vận tải du lịch và truyền thông Viet Bigbus đề xuất mở hai tuyến tại khu vực quận 1 và quận 5; một phần các quận 3, 4, 6, 10 và TP Thủ Đức.
Tuyến khám phá Sài Gòn xưa và nay đi qua các điểm tham quan, du lịch: phố đi bộ Nguyễn Huệ, dinh Độc Lập, Bưu điện trung tâm thành phố, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, bến cảng Nhà Rồng, bến Bạch Đằng, cầu Ba Son...
Tuyến khám phá Chợ Lớn đi qua các điểm: dinh Độc Lập, trường Lê Hồng Phong, phố đi bộ Bùi Viện, nhà thờ Huyện Sỹ, Đại học Sài Gòn, chợ An Đông, chùa Bà Thiên Hậu, chợ Kim Biên, chợ Bình Tây...
Sở Giao thông vận tải TPHCM cho hay lộ trình hoạt động của hai tuyến mà Công ty cổ phần vận tải du lịch và truyền thông Viet Bigbus đề xuất không trùng lắp hoàn toàn với các tuyến đã triển khai (tuyến DL01, DL02, DL03, DL04).
Các điểm đón, trả khách cơ bản phù hợp với danh sách 175 vị trí, khu du lịch do Sở Du lịch thành phố cung cấp.
Phương án tổ chức chở khách du lịch bằng xe ô tô hai tầng, thoáng nóc do Công ty cổ phần vận tải du lịch và truyền thông Viet Bigbus đề xuất phù hợp với các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, đủ điều kiện triển khai, thực hiện trên địa bàn thành phố.
Du khách phải hủy tour du thuyền Hạ Long do ảnh hưởng của bão số 2
Do ảnh hưởng của bão số 2, UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Hải Phòng đã tạm dừng cấp phép cho các tàu cá, tàu du lịch để đảm bảo an toàn cho du khách. Điều này khiến cho nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, cảm thấy tiếc nuối vì không thể trải nghiệm vịnh Hạ Long như dự định.
Các công ty du lịch cho biết việc tạm dừng hoạt động du thuyền trên các vịnh khi có bão là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho du khách. Trong trường hợp du khách không thể sử dụng dịch vụ du thuyền do lý do thiên tai, quyền lợi của khách hàng vẫn được đảm bảo.
Theo thống kê, trong ngày 21/7, có hơn 18.000 khách trên vịnh Hạ Long, trong đó có 1.700 khách lưu trú. Dự báo trong ngày 23/7, bão số 2 có khả năng đi vào đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Tài xế xe khách chở 33 người vi phạm nồng độ cồn
Tối ngày 22/7, Đội CSGT trật tự Công an huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết đã lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tài xế Trần Lê Đăng K 7 triệu đồng do vi phạm nồng độ cồn.
Cơ quan công an còn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 11 tháng đối với tài xế K.
Vụ việc xảy ra trên quốc lộ 27C đoạn qua đèo Khánh Lê thuộc thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, tổ tuần tra kiểm soát Đội CSGT trật tự Công an huyện Khánh Vĩnh đã dừng xe khách biển số TPHCM đang lưu hành hướng từ TP Đà Lạt đi Thừa Thiên Huế để kiểm tra.
Kết quả xác định tài xế K có nồng độ cồn 0,055 mg/lít khí thở. Trên xe khách lúc này có 33 hành khách.
Sau khi lập biên bản vi phạm, tổ tuần tra kiểm soát đã yêu cầu tài xế K và nhà xe điều động xe khác đến đưa khách tiếp tục hành trình.