- Bộ Nội vụ thống nhất phương án nghỉ tết Nguyên đán 2024 kéo dài 7 ngày
- Cứu 10 ngư dân trên tàu cá gặp nạn ở Côn Đảo
- Không bắt buộc ô tô cá nhân lắp camera giám sát
- biển số ô tô đã đấu giá, mới có 7 người nộp tiền
- Thị trường bất động sản chuyển nhượng chưa bao giờ 'đóng băng'
- Xử phạt 2 người phụ nữ ở Hà Nội rao bán 'bùa phép' trên Facebook
Bộ Nội vụ thống nhất phương án nghỉ tết Nguyên đán 2024 kéo dài 7 ngày
Bộ Nội vụ vừa có văn bản đồng ý với phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cụ thể, sau khi nhận được công văn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2024, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu dự thảo văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo dự thảo, Bộ Nội vụ thống nhất phương án 1 theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo phương án này, cán bộ, công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 từ ngày 8/2/2024 (29 tháng Chạp) đến hết ngày 14/2/2024 (mùng 5 tháng Giêng), tổng số ngày nghỉ là 7 ngày.
Cứu 10 ngư dân trên tàu cá gặp nạn ở Côn Đảo
Rạng sáng 26/9, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam nhận được thông tin tàu BL 93279 TS bị phá nước và chìm lúc 5h cùng ngày. Khi gặp nạn trên tàu có 10 ngư dân và vị trí gặp nạn cách Côn Đảo khoảng 22 hải lý về phía tây bắc.
Ngay khi nhận được thông tin, trung tâm này đề nghị Đài thông tin duyên hải Hồ Chí Minh phát báo thông tin cho các phương tiện hoạt động trong khu vực để hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời trung tâm đã điều tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng SAR 272 đang ứng trực tại Côn Đảo ra hiện trường.
Đến chiều 26/9, tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 272 đã đưa toàn bộ 10 ngư dân của tàu cá BL 93279 TS về đến Côn Đảo an toàn.
Không bắt buộc ô tô cá nhân lắp camera giám sát
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, An toàn giao thông (Cục CSGT) cho hay, quy định bắt buộc lắp camera giám sát áp dụng với xe kinh doanh vận tải, còn ô tô cá nhân thì chỉ khuyến khích.
Trên thực tế có rất nhiều phương tiện cá nhân đã tự trang bị camera giám sát, nhằm mục đích ghi lại hình ảnh, sự cố xảy ra trên đường. Việc này giúp người điều khiển phương tiện có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ xảy ra trên đường, có thể lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại xe của mình hoặc của người khác, cung cấp cho các cơ quan chức năng để xử lý khi cần thiết…
Đối với dữ liệu từ thiết bị giám sát trên ô tô cá nhân, cơ quan chức năng sẽ không thu thập mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra các sự cố trên đường hoặc ghi nhận được các sự cố của xe khác… Hiện nay, các đề xuất được đưa ra mới chỉ là bản dự thảo, cơ quan soạn thảo sẽ ghi nhận sự đóng góp của người dân, các cơ quan, tổ chức để chỉnh lý và đưa ra điều khoản hợp lý, khoa học, đảm bảo tính nhân văn.
95 biển số ô tô đã đấu giá, mới có 7 người nộp tiền
Sau 4 ngày đấu giá biển số ô tô, tổng cộng có 95 biển số ô tô đã được "gõ búa" bán với tổng số tiền lên tới 133 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới có 7 người nộp tiền, số với số tiền gần 11 tỷ đồng.
Theo quy định, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả. Số tiền được trừ số tiền đặt trước và không bao gồm lệ phí đăng ký xe.
Đồng thời người trúng đấu giá phải thực hiện thủ tục đăng ký xe ô tô để gắn biển số trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận trúng đấu giá.
Thị trường bất động sản chuyển nhượng chưa bao giờ 'đóng băng'
Nửa cuối năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, giá bán căn hộ trên thị trường chuyển nhượng tăng 20 - 30% so với cùng thời gian 2021 – 2022 trong bối cảnh nguồn cung thị trường khan hiếm và gặp nhiều khó khăn.
Nhu cầu mua bất động sản phục vụ nhu cầu ở thật của người dân không giảm, khiến giá bán chuyển nhượng trên thị trường luôn có biến động tăng.
Từ đầu năm đến nay, giá căn hộ dự án chuyển nhượng vẫn tăng khoảng từ 3 - 5% so với cuối năm 2022. Thêm vào đó, giá căn hộ sơ cấp cách đây 5 - 7 năm có giá từ 27 - 28 triệu đồng/m2 được coi là mức cao, nhưng hiện tại, mức giá sơ cấp tăng liên tục hàng năm, với mức giá trung bình lên tới 47 - 50 triệu đồng/m2.
Sản phẩm nhà đất thổ cư ở thị trường Hà Nội hiện nay luôn giao dịch ở mức ổn định và đang neo ở mức cao hơn từ 5 - 7% so với thời điểm thị trường không bị “đóng băng”.
Xử phạt 2 người phụ nữ ở Hà Nội rao bán 'bùa phép' trên Facebook
Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện một số tài khoản Faceook thường xuyên đăng tải các bài viết rao bán “bùa phép” có nội dung mê tín, dị đoan lên mạng xã hội.
Các chủ tài khoản vi phạm là Đ.K.T. (SN 1994, ở Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) và N.T.N. (SN 1993, ở Phúc La, Hà Đông, Hà Nội).
Công an đã lập biên bản ra quyết định xử phạt 2 trường hợp trên về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc". Mức phạt đối với mỗi trường hợp này là 7,5 triệu đồng.