TPHCM tăng cường phòng cháy chữa cháy
Tình hình cháy nổ trên địa bàn TPHCM và cả nước vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do nhiều đơn vị, tổ chức và người dân còn chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy, Công an TPHCM đề nghị các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia các phong trào như “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” và “Nhà tôi có 3”: có thiết bị cảnh báo cháy, có mặt nạ phòng độc và có lối thoát nạn thứ 2.
TPHCM đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về phòng cháy chữa cháy.
Song song đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy chữa cháy, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
TPHCM cảnh báo thủ đoạn mạo danh Thanh tra Sở Y tế
Chiều 3/10, Công an TPHCM cho biết cuối tháng 9 vừa qua, Công an thành phố ghi nhận một số vụ việc mạo danh Thanh tra Sở Y tế lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời gian qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, hơn 50% vụ lừa đảo sử dụng không gian mạng.
Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn như giả mạo các cơ quan, tổ chức thuế, ngân hàng, công an… để gọi điện thoại lừa gạt. Giả mạo website các tập đoàn, công ty, thương hiệu lớn để thu hút vốn đầu tư, tuyển dụng nhân sự. Lập các trang Facebook có logo của các trường đại học để lừa đảo tiền học phí, lệ phí...
Công an TPHCM khuyến cáo người dân luôn cảnh giác khi nhận các cuộc gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, tư pháp, tố tụng để thông báo, mời làm việc, yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án qua điện thoại.
Đồng thời thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP và không chuyển tiền cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
TPHCM thường xuyên ùn tắc tại 24 điểm giao giữa đường sắt và đường bộ
Theo phòng khai thác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TPHCM, tuyến đường sắt đi qua TPHCM khoảng 14km, có 24 vị trí đường bộ giao cắt đồng mức với đường sắt, trong đó 21 đường ngang có người gác, 3 đường ngang không có người gác hiện được tổ chức theo hình thức cần chắn tự động.
Để giảm ùn ứ trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục có những giải pháp phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp thực tế, dựa theo lịch tàu chạy.
Đồng thời, Sở Giao thông vận tải trao đổi với ngành đường sắt một số nội dung cụ thể để giảm kẹt, đặc biệt lưu ý trước khi sửa chữa, duy tu đường sắt tại các vị trí giao nhau với đường bộ, ngành đường sắt phải gửi thông báo cho Sở Giao thông vận tải, Công an TP, các địa phương có liên quan về kế hoạch thi công để phối hợp, điều tiết giao thông.
Thời gian qua, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra mỗi ngày trên quốc lộ 13 (Q. Bình Thạnh về TP Thủ Đức, Bình Dương), một trong những điểm kẹt xe “nóng” nhất là đoạn giao với đường sắt Bắc Nam (dọc đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức).
Xây 4 tuyến đường trong khu Thủ Thiêm 10 năm chưa xong do vướng mắc mặt bằng
Dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) khởi công từ năm 2014 theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành do vướng mắc 9 mặt bằng.
Các trường hợp vướng mắc này còn tranh chấp ranh đất, cho rằng diện tích đất nằm ngoài ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm nên chưa đồng ý giải phóng, bàn giao mặt bằng.
TP Thủ Đức đã lập hồ sơ bồi thường theo quy định pháp luật, lập ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn đối với các dự án kéo dài, trong đó có dự án xây dựng 4 tuyến đường chính ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sắp tới, TP Thủ Đức sẽ vận động người dân bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Bé trai 6 tuổi bị bỏng thực quản do uống nhầm thuốc trị mụn cóc
Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) tiếp nhận trường hợp bé trai Đ.N.K. (6 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) bị bỏng thực quản do người nhà cho uống nhầm thuốc trị mụn cóc với ống men vi sinh.
Sau khi uống, bé K. nôn ói và khó thở, được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1.
Kết quả nội soi cho thấy vùng họng của bé bị sung huyết, lở loét; thanh quản phù nề gây khó thở và thực quản bị bỏng độ 2, phải đặt ống sonde dạ dày.
Trong thời gian dài, bé K. sẽ không thể ăn qua miệng, mà phải uống sữa và chất lỏng qua sonde, đồng thời phải tái khám soi nong thực quản định kỳ nếu bị biến chứng hẹp thực quản.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần cẩn thận khi lưu trữ các loại dung dịch này, không để lẫn lộn và nên để các loại hóa chất ngoài tầm tay của trẻ em.
Nếu trẻ lỡ uống nhầm thì người nhà nên đưa ngay đến bệnh viện để điều trị cấp cứu kịp thời, hạn chế di chứng cho trẻ.
Cấm người và xe qua cầu Yên Bái
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi) gây mưa lớn kéo dài, kết hợp với mưa lũ ở thượng nguồn đã làm nước sông Thao (sông Hồng) khu vực qua cầu Yên Bái lên trên báo động 3 là 3,73m, cao hơn mức nước lũ lịch sử năm 1968 là 1,41m, có nhiều rác, cây trôi làm trôi 2 xe kiểm tra cầu.
Ngày 10/9, một tàu hút cát trôi tự do từ phía thượng nguồn sông Thao đã va xô vào trụ, dầm cầu Yên Bái làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn công trình và tác động đến hệ thống kết cấu, liên kết công trình.
Sau khi kiểm tra, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ phát hiện tại vị trí trụ T5 có hiện tượng xói sâu, đường xói cách mũi cọc từ 3,20 – 6,20m nên kiến nghị cấm tất cả các loại phương tiện và người lưu thông qua cầu Yên Bái.
Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái đã đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam cho phép cấm toàn bộ người và phương tiện lưu thông qua cầu Yên Bái kể từ 17h ngày 3/10 và tổ chức phân luồng giao thông đi lại qua cầu Bách Lẫm, cầu Tuần Quán và các cầu khác trên địa bàn thành phố Yên Bái.