TPHCM sẽ trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực vào năm 2025
Theo đề án phát triển công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030, TP đã chọn 8 lĩnh vực, ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm để phát triển đến năm 2030 gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Trong đó, nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, mỹ thuật trở thành ngành dịch vụ quan trọng của thành phố.
Đề án này cũng đặt ra mục tiêu đến 2025, TPHCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực.
Hiện dự án rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ đang trong giai đoạn chạy nước rút để hoàn thành cất nóc trong tháng 9. Dự kiến công trình này sẽ có chương trình biểu diễn đầu tiên vào dịp 30/4 năm sau.
TPHCM cũng sẽ hình thành các thiết chế văn hóa bên bờ sông Sài Gòn như Cung thiếu nhi TPHCM, Nhà hát giao hưởng vũ kịch bên sông Sài Gòn xứng tầm quốc tế. Hai dự án này đang hoàn tất các thủ tục đầu tư để khởi công vào ngày 30/4/2025.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TPHCM còn nhiều vướng mắc
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TPHCM được xây dựng từ tháng 6/2016, đến nay đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công trình, tuy nhiên vẫn còn gặp khó khăn về nguồn vốn thanh toán, phải tạm dừng thi công.
Chính phủ đã ban hành nghị quyết cho phép TPHCM tiếp tục làm dự án theo cơ chế đặc thù, tuy nhiên thời gian xây dựng tiếp theo có một số phát sinh mới liên quan đến việc thanh toán hợp đồng, nguồn vốn để thi công hoàn thành công trình.
Về vấn đề khi nào dự án chống ngập 10.000 tỉ mới hoàn thành và vận hành, phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết nhà đầu tư cam kết sẽ làm xong khi được tháo gỡ vướng mắc, giải ngân. Thời gian dự kiến từ 6 – 8 tháng.
Nạn xe dù, bến cóc vẫn nhức nhối tại TPHCM
Xe dù, bến cóc là vấn đề nóng được nhiều người dân quan tâm trong thời gian qua, tại cuộc họp báo định kỳ về kinh tế xã hội TPHCM, chiều 4/7, các cơ quan chức năng đã thông tin rõ hơn về vấn đề này.
Tại thành phố Thủ Đức còn 25 điểm đón trả khách không đúng quy định, không có điểm nào có cấp phép thành lập bến xe của Sở Giao thông vận tải TPHCM, chỉ có giấy phép kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM.
Nguyên nhân khiến việc xử lý xe dù, bến cóc chưa xong do liên quan đến việc di dời các tuyến vận tải hành khách cố định từ bến xe Miền Đông cũ qua bến mới (quãng đường xa, chưa đảm bảo tính trung chuyển kết nối).
Sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa Công an TPHCM, Sở Giao thông vận tải TPHCM, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các sở ngành liên quan. Thiếu sự phối hợp của một số sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố có xe khách vi phạm.
Hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam còn thiếu chức năng để trích xuất vi phạm của xe khách.
Để giải quyết vấn đề này, cần nghiên cứu đề xuất điểm dừng đón, trả khách tuyến vận tải hành khách cố định, thêm phương án trung chuyển hành khách, kết nối các bến xe, đặc biệt là bến xe Miền Đông mới.
Nguyên nhân khiến 142 công nhân ở Hải Phòng bị ngộ độc
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Phòng cho biết nguyên nhân khiến 142 công nhân tại Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm, xã An Hồng, huyện An Dương bị ngộ độc thực phẩm sau khi dùng cơm trưa tại bếp ăn nhà máy là từ món cá thu kho dưa chua.
Kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm cá thu kho trong khẩu phần thức ăn của công nhân trưa 27/6, phát hiện hàm lượng histamin cao gấp 40 lần giới hạn cho phép. Các mẫu khác như canh rau ngót, bí xanh, dưa hấu… không phát hiện dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật.
Histamin là một chất tồn tại sẵn trong cá thu, cá ngừ cũng như nhiều loài cá biển khác và đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh một số phản ứng của cơ thể như: dị ứng, sốc phản vệ, tăng bài tiết nước mắt, nước mũi...v.v.
Sở Y tế Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố Hải Phòng xử phạt đơn vị cung cấp suất ăn là Công ty TNHH dịch vụ Thành Hưng với số tiền 180 triệu đồng. Đồng thời, dừng hoạt động đối với doanh nghiệp này trong thời gian từ 3 – 5 tháng theo quy định.
Bắt nhóm lừa đảo bán thóc giống trên mạng
Công an tỉnh Thái Bình vừa triệt phá thành công một nhóm lừa đảo bán thóc giống trên không gian mạng, thu lợi bất chính gần 8 tỷ đồng.
Nhóm này gồm 7 người, trú tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn gian dối bằng cách lấy thóc thu hoạch của gia đình và mua thêm các loại thóc giá rẻ rồi tự đóng túi ni lông loại 1kg, đặt in nhãn mác giống lúa VST-899 dán lên bao bì của túi thóc.
Nhóm này sử dụng các hình ảnh, video trên mạng để chạy quảng cáo trên các trang Facebook nhằm tiếp cận được nhiều người.
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định trên thực tế tại Việt Nam không có giống lúa VST-899, thông tin mà các đối tượng đưa ra đều không có thật.
Cơ quan điều tra bước đầu xác định, từ khoảng tháng 5/2023 đến nay, nhóm đối tượng trên đã giao được trên 23.000 đơn hàng đến người dân khắp cả nước, tương đương với số tiền chiếm đoạt khoảng 7,8 tỷ đồng.
Công an Đà Nẵng triệt phá đường dây cá độ bóng đá hơn 100 tỷ đồng
Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Đà Nẵng) chủ trì phối hợp Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Công an quận Liên Chiểu, triệu tập 2 nghi phạm cầm đầu đường dây cá độ bóng đá là Nguyễn Xuân Khánh (39 tuổi) và Lê Tấn Quang (34 tuổi, cùng trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), cùng 9 người khác.
Bước đầu xác định, Khánh và Quang là người cầm đầu đường dây cá độ, tổ chức đánh bạc và đánh bạc cho hàng trăm người ở các quận, huyện của Đà Nẵng và các tỉnh lân cận như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tham gia.
Qua thống kê từ tháng 5/2024 đến nay, số tiền mà những người tham gia đánh bạc ở đường dây này là hơn 100 tỉ đồng. Đặc biệt đáng chú ý chỉ trong 2 tuần từ khi khởi tranh giải Euro và Copa America 2024 đến nay, số tiền đánh bạc đã hơn 50 tỉ đồng.