TPHCM chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch bền vững
Trong khuôn khổ Hội chợ du lịch Quốc tế TPHCM lần thứ 18, diễn ra Diễn đàn Du lịch cấp cao với chủ đề “Chuyển đổi xanh, du lịch NET ZERO – Kiến tạo tương lai”. Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất các biện pháp tăng cường chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển NET ZERO cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam.
TPHCM đã gắn kết 3 ngành giao thông – năng lượng – tiêu dùng với du lịch để giảm thiểu carbon, tập trung vào chuyển đổi có lộ trình 100% xe bus thành phố thành xe bus sạch, chuyển đổi có lộ trình shipper sang xe điện, chuyển đổi sang xe điện, xe đạp hoặc đi bộ; Phát triển các năng lượng tái tạo ở các lĩnh vực (điện áp máy mặt trời, điện đốt rác, điện gió). Cuối cùng là tiêu dùng xanh, hiện tại đã có khu đảo Thiền Liềng sử dụng plastic free (loại bỏ nhựa), huyện đảo Cần Giờ là nơi thí điểm Net Zero của thành phố.
Theo nhiều ý kiến tại diễn đàn, thúc đẩy chuyển đổi xanh và du lịch bền vững cần có hành động tập thể, đồng thời và có lộ trình cho các mục tiêu trung và dài hạn tùy thuộc vào bối cảnh để từng bước chuyển đổi và hạn chế các “cú sốc” về kinh tế - xã hội.
TPHCM yêu cầu không chủ quan trước hoàn lưu bão Yagi
UBND TPHCM ban hành văn bản yêu cầu khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp ứng phó do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi). Theo dự báo, bão Yagi sẽ gây gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 – 8, sóng cao 2 – 3 m tại vùng biển từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm vùng biển TPHCM).
TPHCM có mưa rào nhiều nơi, có nơi có mưa vừa, mưa to và giông. Trong cơn giông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.
TPHCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai các biện pháp theo phương án phòng tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp; chuẩn bị sẵn sàng phương án chi tiết huy động vật tư, phương tiện, lực lượng để ứng phó với bão, nhất là mưa lớn, giông lốc, tình trạng ngập lụt, triều cường và xả lũ do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra.
TPHCM cũng yêu cầu tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra nhằm ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, TPHCM yêu cầu không cho các tàu chở khách du lịch tham gia hoạt động trên sông, biển trong điều kiện thời tiết nguy hiểm, sóng to, gió lớn và kiểm tra chặt chẽ các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách trên tàu trước khi xuất bến.
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3
Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc, trong đó có 4 người chết, 78 người bị thương, nhiều nhà cửa bị hư hỏng, tốc mái, hàng nghìn cây xanh ngã đổ, hệ thống thông tin liên lạc tại một số địa phương bị gián đoạn.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo, duy trì nghiêm lệnh cấm đường, duy trì lực lượng “4 tại chỗ” có sự phối hợp nhịp nhàng, nỗ lực cao nhất, nhanh chóng khôi phục lưới điện, hệ thống liên lạc, đường giao thông để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, kéo dài do hoàn lưu sau bão, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở.
Tăng cường thanh tra, giám sát việc chăm sóc trẻ em tại các mái ấm
Sau vụ việc Mái ấm Hoa Hồng bị phát hiện có nhiều sai phạm trong việc chăm sóc trẻ em, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi đã yêu cầu các địa phương, Sở LĐTB&XH phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra trên toàn quốc, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ trong việc giám sát thường xuyên, liên tục việc chăm sóc trẻ em tại các cơ sở, mái ấm, đồng thời thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Hiện tại, cơ sở Mái ấm Hoa Hồng đã bị thu hồi giấy phép hoạt động, tạm giữ các cá nhân liên quan và đang củng cố hồ sơ pháp lý để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cả nước ghi nhận 815 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong tháng 8
Theo Bộ Công an, trong tháng 8/2024, cả nước xảy ra 815 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng hơn 11%. Trong đó, tội phạm lừa đảo qua mạng chiếm gần 55% tổng số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả mạo các cơ quan, tổ chức thuế, ngân hàng, công an… để gọi điện thoại lừa gạt; giả mạo website các tập đoàn, công ty, thương hiệu lớn để thu hút vốn đầu tư, tuyển dụng nhân sự; lập các trang Facebook có logo của các trường đại học để lừa đảo tiền học phí, lệ phí...
Để phòng ngừa, Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan các cấp nhấn mạnh công tác tuyên truyền. An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao duy trì 3 kênh trên không gian mạng: Facebook, Tiktok, Zalo để trao đổi, tuyên truyền phổ biến các thông tin về tội phạm trên không gian mạng.