Điểm tin trưa 14/8: Thúc đẩy tín dụng bất động sản | Mười Tường lãnh 23 năm tù

VOH - Không để tăng giá theo theo xăng, lương; Siết chất lượng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc; Sinh viên sư phạm bị nợ sinh hoạt phí nhiều tỉ đồng…là những tin nổi bật.

Cập nhật giá vàng, giá USD và tỷ giá trung tâm ngày 14/8

Sáng 13/8, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 66,8 triệu đồng/lượng và bán ra 67,5 triệu đồng. Riêng vàng nhẫn 4 số 9 cùng thương hiệu SJC lại quay đầu giảm 250.000 đồng. Chênh lệch giá mua bán vàng nhẫn tiếp tục duy trì ở mức gần 1 triệu đồng.

Theo ghi nhận, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 11 đồng.

Giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục ghi nhận mức tăng ở chiều bán ra nhưng lại giảm ở chiều mua vào.

Thúc đẩy tín dụng bất động sản

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngân hàng thúc đẩy tín dụng vào bất động sản, nhất là đáp ứng nhu cầu vay của người dân. Theo ghi nhận, hiện nay các ngân hàng (NH) tung ra những gói tín dụng, giảm lãi suất cho khách hàng mua, sửa chữa nhà.

Các NH thương mại cổ phần cũng bắt đầu đẩy những gói lãi suất giảm đối với bất động sản (BĐS) như MSB giảm 2%, lãi suất từ 8,9%/năm.

Một số nhân viên tín dụng cá nhân cho biết tín dụng những tháng đầu năm không những giảm đối với khối doanh nghiệp mà ngay cả khách hàng cá nhân cũng sụt giảm.

Điểm tin trưa 14/8: Thúc đẩy tín dụng bất động sản | Mười Tường lãnh 23 năm tù
Hiện đang thiếu trầm trọng nguồn cung nhà ở - Ảnh: HL

Không để tăng giá theo theo xăng, lương

Theo ghi nhận, giá xăng dầu, một số thực phẩm thiết yếu tăng khiến đời sống người lao động thêm khó. Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất lúc này là phải kiểm soát, không để xảy ra tình trạng "tát giá" theo lương, theo xăng...

Khảo sát cho thấy, giá gạo tăng đã kéo theo giá nhiều mặt hàng như bún, hủ tiếu, bánh phở, bánh canh. Giá rau các loại bình quân tăng 30% do suốt tháng 7 mưa lớn liên tục khiến sản lượng giảm.

Vì vậy để kìm giá cả hàng hóa không tăng theo lương, thành phố đã triển khai các hoạt động bình ổn giá, thúc đẩy hoạt động bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Siết chất lượng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), hàng tháng, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đều cập nhật vi phạm của hàng hóa nông sản Việt Nam. Đáng lưu ý, thời gian gần đây, số vụ việc vi phạm kiểm dịch thực vật nhóm hàng trái cây tăng bất thường.

Trong đó vi phạm nhiều nhất là phát hiện dịch hại trên nhiều loại trái cây như mít, thanh long, chuối, xoài, sầu riêng thì ít hơn.

Đối với các lô hàng này, phía Trung Quốc yêu cầu xử lý làm sạch, loại bỏ vi sinh vật khiến doanh nghiệp (DN) tốn kém chi phí và ảnh hưởng uy tín của trái cây Việt Nam.

Theo Cục BVTV, dự kiến cuối tháng 8, Bộ sẽ chủ trì hội nghị nhằm chấn chỉnh, khắc phục dứt điểm vi phạm nêu trên.

Điểm tin trưa 14/8: Thúc đẩy tín dụng bất động sản | Mười Tường lãnh 23 năm tù 2
Ảnh minh họa - Internet 

Vụ buôn lậu gần 51 kg vàng: Mười Tường bị phạt 23 năm tù

Ngày 13/8, sau 5 ngày xét xử vụ án buôn lậu 51 kg vàng, Toà án nhân dân (TAND) tỉnh An Giang tuyên phạt Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường, 54 tuổi) 23 năm tù về tội buôn lậu và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Ngoài ra, TAND còn tuyên phạt bổ sung Hạnh 100 triệu đồng về tội buôn lậu và 50 triệu đồng về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Hiện Mười Tường còn 2 tội danh chưa đưa ra xét xử là rửa tiền và trốn thuế.

Điểm tin trưa 14/8: Thúc đẩy tín dụng bất động sản | Mười Tường lãnh 23 năm tù 3
Mười Tường tại phiên tòa xét xử - Ảnh: LĐO

Sinh viên sư phạm bị nợ sinh hoạt phí nhiều tỷ đồng

Theo ghi nhận, chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng cho sinh viên sư phạm bắt đầu được thực hiện từ năm 2021 nhưng sau 2 năm triển khai, nhiều sinh viên chưa được nhận khoản hỗ trợ này với tổng số tiền lên tới nhiều tỷ đồng.

Dựa trên thực tế từ các đơn vị đào tạo, người học liên tục phản ánh về việc nhiều tháng liền không nhận được hỗ trợ sinh hoạt phí. Điều này khiến sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi lựa chọn theo học ngành sư phạm rơi vào tình trạng chật vật.

Theo đó, một trong những nguyên nhân của việc trả chậm sinh hoạt phí được đưa ra là do nhà trường được cấp kinh phí chậm. 

Bình luận