Chờ...

Điểm tin trưa 29/6: TPHCM trình đề án hơn 500 km metro | Đi chăn trâu thuê, 4 trẻ lạc đường

VOH - Những nội dung đáng chú ý khác: Từ năm 2025, dao có tính sát thương cao được coi là vũ khí; Vỡ ống nước sạch vượt biển, hàng ngàn người dân trên đảo ở Nha Trang đối mặt với khó khăn;...

TPHCM trình 'siêu đề án' hơn 510 km metro

UBND TPHCM vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng) của "siêu đề án" giai đoạn từ nay đến năm 2035 khoảng 837.250 tỉ đồng (tương đương 34,92 tỉ USD), không bao gồm vốn đầu tư tuyến metro 1. 

Sieu  Metro 2024
Ảnh minh hoạ: PLO

Đến năm 2045, sẽ xây dựng thêm khoảng 168,36km để hoàn thiện 7 tuyến metro (theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060), nâng tổng chiều dài metro lên khoảng 351,08km. 

Đến năm 2060, toàn TPHCM sẽ có 510,02km metro. 

Như vậy trong 36 năm nữa, TP phải làm và hoàn thành tương đương hơn 14,16 km metro/năm. Đây là con số rất lớn của '"siêu đề án" này.

Từ năm 2025, dao có tính sát thương cao được coi là vũ khí

Theo luật vừa được thông qua thì dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Định nghĩa này có phần khác so với dự thảo trước đây, khi bỏ đi nội dung về chiều dài cụ thể của lưỡi dao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định 3 chế độ quản lý “dao có tính sát thương cao” gắn với mục đích sử dụng. Thứ nhất, trường hợp sử dụng cho mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không coi là vũ khí, nhưng phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn.

Thứ hai, mục đích thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ, Luật quy định là vũ khí thô sơ.

Thứ ba, sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, Luật quy định là vũ khí quân dụng.

Từ Điện Biên xuống Hưng Yên chăn trâu thuê, 4 trẻ bị lạc đường

Từ Điện Biên, 4 trẻ em tự bắt xe xuống Hưng Yên để chăn trâu thuê. Nhưng do nhỏ tuổi nên các em đã bị lạc đường. Lực lượng chức năng sau đó đã giúp các em trở về đoàn tụ với gia đình.

Trước đó, Công an P. Nhân Hòa nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc có 4 trẻ nhỏ lang thang, nghi bị lạc tại khu vực gần công trường xây dựng của khu đô thị Lạc Hồng Phúc (thuộc tổ dân phố Nguyễn Xá, P. Nhân Hòa). 

4 tre lac duong
Ảnh: Công an cung cấp

Công an phường đã nhanh chóng có mặt tiếp nhận và đưa các em về trụ sở. 4 trẻ em này là Q.V.K (13 tuổi), Q.V.C (8 tuổi), G.V.H (15 tuổi) và L.V.N (12 tuổi, cùng trú tại bản Pa Ít, xã Huổi Mí, H.Mường Chà, tỉnh Điện Biên).

Các trẻ em này cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tự bắt xe xuống Hưng Yên để làm nghề chăn trâu thuê.

Vỡ ống nước sạch vượt biển, hàng ngàn người dân trên đảo ở Nha Trang đối mặt với khó khăn

Đường ống nước sạch vượt biển sang đảo Trí Nguyên ở thành phố Nha Trang bị vỡ, hàng ngàn người dân trên đảo phụ thuộc vào nguồn cung cấp bằng thuyền của công ty nước sạch.

Từ đầu giờ chiều hôm qua 28/6, hàng ngàn người dân trên đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thay phiên nhau đi lấy nước sinh hoạt tại ba điểm cấp nước tạm thời do Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa vận chuyển từ đất liền sang. 

Bà Nguyễn Thị Xuân (43 tuổi) một người dân trên đảo Trí Nguyên, cho hay ba ngày qua, bà con trên đảo bị ngưng cấp nước do đường ống dẫn từ đất liền sang bị vỡ. 

Theo người dân, sự cố đường ống nước sạch bị vỡ khiến cuộc sống của người dân trên đảo gặp khó khăn. Để có nước sinh hoạt cho cả gia đình, hàng trăm hộ dân trên đảo tranh thủ gánh nước từ sớm, tránh chiều tối đông người sẽ chen chúc nhau rất vất vả.

12haa