Trước đó, vào ngày 9/5, Trạm y tế xã Thăng Bình (H.Nông Cống, Thanh Hóa) tổ chức tiêm vaccine Hexaxim 6 trong 1 do Pháp sản xuất, cho 15 trẻ trên địa bàn xã đăng ký tiêm dịch vụ.
Đến hơn 10 giờ cùng ngày, một số phụ huynh phản ánh tới Trạm y tế xã Thăng Bình về việc con em họ bị tiêm phải vaccine đã hết hạn sử dụng.
Trạm y tế xã Thăng Bình đã xác định được 4 trẻ tiêm phải vaccine 6 trong 1 hết hạn sử dụng 39 ngày (tính đến ngày 9/5). Sau đó, cán bộ Trạm y tế xã Thăng Bình cùng với gia đình đã đưa các trẻ tiêm phải vaccine hết hạn sử dụng đến theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Chiều 9/5, 3 bệnh nhi có triệu chứng sốt (từ 37,6oC đến 38,5oC), 1 bệnh nhi có men gan tăng được truyền dịch Glucose 5%.
Xem thêm: Nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vắc xin phòng Covid-19 và tiêm chủng
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, đến sáng 11/5, 4 trẻ trên không còn sốt, không nôn, bú bình thường, không khó thở hay nổi ban, tim phổi bình thường.
Hiện các y, bác sĩ vẫn đang tiếp tục theo dõi sát các triệu chứng, sức khoẻ của các bé. Sau 1-2 ngày nữa sẽ làm xét nghiệm đánh giá lại chức năng men gan để có biện pháp can thiệp khi có diễn biến bất thường. Tuy nhiên, việc men gan tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không thể khẳng định do tiêm vaccine hết hạn sử dụng.
Trước sự việc trên, Sở Y tế Thanh Hóa đã yêu cầu các đơn vị liên quan tích cực chăm sóc, theo dõi sức khỏe của các trẻ. Đồng thời, Sở cho biết sẽ có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để tham vấn ý kiến, nhằm đánh giá việc ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào sau khi 4 trẻ tiêm phải vaccine hết hạn sử dụng, sau khi sức khỏe các em ổn định thì lúc nào sẽ tiếp tục tiêm vaccine, nếu tiêm thì tiêm bao nhiêu mũi…
Sở Y tế Thanh Hóa cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng khẩn trương rà soát, kiểm tra lại quy trình tiêm chủng, để không xảy ra trường hợp tiêm vaccine hết hạn sử dụng như vừa xảy ra ở huyện Nông Cống.