Tiêu điểm: Nhân Humanity

'Điều tôi cần nhất trên đời là tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi'

(VOH) – Mong ước cháy bỏng của Bác là được trở lại thăm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ miền Nam. Bác thường nhắc: “ Sài Gòn và Nam Bộ mãi mãi là tình thương yêu trọn vẹn trong trái tim của Bác...”

Sáng nay 5/6, trong không khí thiêng liêng và lắng đọng, tại Bến cảng Nhà Rồng, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Điều tôi cần nhất trên đời là tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi 1

Lãnh đạo TPHCM tham quan và nghe thuyết minh về chặng đường ra đi tìm đường cứu nước của Bác tại triển lãm “Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh: Từ Bến cảng Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình lịch sử”.

Nơi cách đây tròn 110 năm, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuyên dọc chiều dài đất nước, chọn bến cảng này là nơi lên tàu rời xa Tổ quốc, bắt đầu một cuộc hành trình vĩ đại kéo dài suốt 30 năm để tìm con đường cứu nước theo cách riêng.

Anh Phan Văn Minh – Thuyết minh viên Phòng Tuyên truyền giáo dục – Bảo tàng Hồ Chí Minh kể về một chặng đường rất dài của Bác ra đi tìm đường cứu nước. Bản thân anh không ngừng học tập, nghiên cứu nhiều khía cạnh khác nhau về đạo đức, về tư tưởng với tình yêu thương mà Bác dành cho thiên nhiên, thanh niên, thiếu nhi và các cụ già... tất cả tình cảm ấy đều rất giản dị.

“Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu hành trình ra đi tìm đường giải phóng dân tộc năm 1911 cho đến ngày Bác ra đi năm 1969, nhân dân Việt Nam tiếp tục thực hiện con đường cứu nước mà Bác để lại. Bản thân tôi vô cùng xúc động, tự hào khi được truyền tải những thông điệp, tư liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác đến với các tầng lớp nhân dân, đoàn viên thanh niên để góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước của dân tộc ta, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, hun đúc thêm ý chí cách mạng trong thế hệ thanh niên Việt Nam”, anh Phan Văn Minh nói.

Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM Trương Minh Tước Nguyên cho biết, từ những bài học quý báu mà Bác đã để lại, tuổi trẻ Thành phố học tập noi theo bằng những việc làm cụ thể như: lao động, học tập sáng tạo.

Đặc biệt, trong thời điểm này, tinh thần xung kích tình nguyện cùng với toàn Thành phố thực hiện phòng chống dịch COVID-19 đang được các bạn thanh niên thực hiện với nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Vinh dự là người phát biểu cảm tưởng trong lễ kỷ niệm lần này, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM Trương Minh Tước Nguyên nói: “Được đại diện cho thế hệ trẻ TP, Tôi rất xúc động và tự hào vì đây chính là nơi mà cách đây 110 năm Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước.

Qua đây, tuổi trẻ TP học được rất nhiều về sự quyết tâm của Bác vào năm 21 tuổi để thực hiện những hoài bão, ra phương Tây tìm những cái mới, để quay trở về nước cứu dân, cứu nước. Vì vậy, tuổi trẻ TP lúc nào cũng xem đó là bài học quý báu về lòng dũng cảm, ý chí nghị lực về sự kiên trì, kiên định”.

Tại lễ kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên ôn lại công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc đời mình, Bác trải qua nhiều cuộc hành trình trong và ngoài nước nhưng Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh là nơi ghi dấu ấn vô cùng sâu sắc. Bác đã dừng chân ở Bến Nhà Rồng – Sài Gòn này một thời gian vừa đủ để tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị hành trang, củng cố tinh thần cho một chuyến đi vô cùng khó khăn, không kém phần mạo hiểm này.

“Khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tạm rời Bến Nhà rồng lên tàu xa đất nước. Có một người bạn hỏi: Lấy tiền đâu mà đi? Bác đã dang hai tay ra nói: Đây, tiền đây!

Với hành trang thật bình thường và đôi tay bình dị của Bác, nhưng với ý chí cứu nước và khát vọng mãnh liệt, với một nghị lực phi thường và tình yêu tổ quốc vô bờ bến; Bằng sự kiên nhẫn lao động, học tập, nghiên cứu khổ luyện, Bác đã tìm thấy ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Bác đã để lại cho chúng ta nhiều di sản vô giá là tâm hồn, tình cảm, là trí tuệ. Một câu nói của Bác in đậm trong mỗi người chúng ta là: “Điều tôi cần nhất trên đời là tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” ", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu.

Từ lúc rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước đến khi về với thế giới của người hiền, mong ước cháy bỏng của Bác là được trở lại thăm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ miền Nam. Bác thường nhắc: “Sài Gòn và Nam Bộ mãi mãi là tình thương yêu trọn vẹn trong trái tim của Bác....”

Cũng trong sáng nay 5/6, tại Bến cảng Nhà Rồng, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Thành phố và Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn tổ chức khai mạc triển lãm “Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh: Từ Bến cảng Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình lịch sử” với 250 bức ảnh tư liệu gồm: “Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc: Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước (1911 – 1941);  “Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam (1941- 1969) và “Kế thừa và tiếp tục phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh (từ 1969 đến nay)”.

Bình luận