Đoàn đại biểu TPHCM hoàn thành chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1

(VOH) - Sau chuyến hải trình kéo dài từ TP.HCM, ngày 19/5, tàu KN 290 cùng Đoàn đại biểu của TPHCM (đoàn công tác số 9) đã cập Cảng Cát Lái, hoàn thành chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1.

Sau chuyến hải trình kéo dài từ TP.HCM, ngày 19/5/2022 - ngày sinh nhật Bác, tàu KN 290 cùng Đoàn Đại biểu của TP.HCM (đoàn công tác số 9) năm 2022 đã cập Cảng Cát Lái, hoàn thành chuyến thăm các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Đây là chuyến công tác đầu tiên của đoàn đại biểu TP.HCM đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 sau 2 năm gián đoạn do dịch Covid-19. Chuyến đi ý nghĩa đã mang đến nhiều cảm xúc cho các đại biểu.

doan-dai-bieu-tp-hcm-hoan-thanh-chuyen-tham-truong-sa-va-nha-gian-dk1-voh.com.vn-anh1
Các đại biểu xúc động trong giây phút tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên biển.

Sau 2 ngày khởi hành, tàu KN 290 đã đưa các đại biểu của Đoàn công tác số 9 xuất phát từ TP.HCM ngày 11/5/2022 mới đến được với Đảo Song Tử Tây. Đây là điểm đảo đầu tiên của chuyến thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Những hàng cây xanh, mái chùa, ngôi trường học giữa biển xanh muôn trùng sóng vỗ mang đến những cảm giác quen thuộc và thân thương đến lạ dù chúng tôi đang cách đất liền đến hàng trăm hải lý.

Mới chỉ lênh đênh trên biển khơi 2 ngày nhưng nỗi háo hức mong mỏi được đặt chân lên đảo càng khiến chúng tôi thấu hiểu nỗi nhớ đất liền và khâm phục sự kiên cường của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Đón đoàn công tác là nụ cười rạng rỡ của các cháu thiếu nhi, người dân và các chiến sĩ. Bởi 2 năm đại dịch Covid-19 khiến những chuyến tàu ra đảo vô cùng khó khăn.

Chia sẻ cảm xúc của mình, đồng chí Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM nói: "Đến với Song Tử Tây, tôi nghĩ các đại biểu ai cũng mong muốn được đóng góp bằng cả tâm huyết trên các lĩnh vực, ngành nghề của mình. Đợt bão vừa rồi đã tàn phá rất nhiều cây xanh trên đảo. Tuy nhiên nhìn những cây bị cắt ngang nhưng đã mọc lên những mầm xanh mới, thể hiện cho sức sống của Song Tử Tây. Chúng ta đem đến những buổi giao lưu động viên tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Và với người dân thành phố, ngoài việc ủng hộ, động viên tình cảm, thì chúng ta cũng phải có trách nhiệm để giúp cán bộ chiến sĩ và bà con có điều kiện sống tốt và chiến đấu tốt hơn".

doan-dai-bieu-tp-hcm-hoan-thanh-chuyen-tham-truong-sa-va-nha-gian-dk1-voh.com.vn-anh2
Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng - Phó Tư Lệnh Quân Chủng Hải Quân Việt Nam và đồng chí Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí Thư Thành ủy TP.HCM trên đảo Cô Lin đang nhìn về đảo Gạc Ma thân yêu.

Khó có thể nói khoảnh khắc nào là đáng nhớ nhất trong chuyến hành trình của chúng tôi. Có lẽ với mỗi người sẽ có một cảm nhận riêng. Đó là buổi chào cờ trên đảo Song Tử Tây hay giây phút đoàn hùng binh hiên ngang bước đi ở Trường Sa Lớn. Đó cũng có thể là giây phút bắt gặp ánh mắt háo hức của những em bé ở đảo Sinh Tồn khi cầm trên tay cây kem mát lạnh được các đại biểu của UB MTTQ TP.HCM cẩn thận đóng thùng, mang ra từ đất liền. Hay là khoảnh khắc gương mặt người lính gác trên đỉnh tháp ở đảo Cô Lin đỏ lên vì xúc động khi được nghe tiếng hát của các nghệ sĩ đến từ thành phố mang tên Bác. Và như mọi chuyến hải trình đến Trường Sa, giây phút thiêng liêng nhất là lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên biển, trong đó có 64 liệt sĩ trong trận chiến ở Gạc Ma và các cán bộ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại nhà giàn.

Đại tá Lê Xuân Phong - Cục chính trị Hải quân xúc động phát biểu: "Những năm qua, mặc dù Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, các cấp các ngành, trực tiếp là các chiến sĩ hải quân đã cố gắng hết mình. Tuy nhiên, biển thì rộng và sâu mà sức người có hạn, hoàn cảnh bất lợi nên đến nay, xương cốt của nhiều đồng chí vẫn còn nằm lại dưới biển sâu lạnh lẽo, đang hàng ngày mòn mỏi trong thời gian, quặn đau trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bão tố. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đuổi chúng tôi ngày đêm. Các anh ra đi vì Tổ quốc là một nhẽ, nhưng đã để lại nỗi đau tột cùng và bao nhiêu nhớ thương. Có những người chiến sĩ hy sinh khi con còn chưa biết mặt cha.

Các anh hóa cánh chim muôn dặm sóng

Hướng về nơi đất mẹ vẫn mong chờ

Nếu mẹ gặp cánh chim về từ biển

Con đấy mà, mẹ đã nhận ra chưa".

Sau các điểm đảo nổi như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa lớn, chuyến hải trình lại đưa chúng tôi đến với những đảo chìm như Đá Nam, Cô Lin, Núi Le, Thuyền Chài và nhà giàn DK1... Những cái tên đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM qua các bài hát, câu thơ đầy xúc động hay những câu chuyện kể đã trở thành huyền thoại. Nếu ở đảo nổi, ngoài các chiến sĩ hải quân thì còn có những những ngôi nhà của các hộ dân, trường học, mái chùa... thì ở đảo chìm hay nhà giàn mọi hoạt động chỉ gói ghém trong vài chục mét vuông. Nếu chưa từng đặt chân đến Trường Sa, khó ai có thể tưởng tượng được vì sao trong khoảng không gian nhỏ hẹp ấy, thôi mà những người lính hải quân và các cán bộ vẫn tổ chức các hoạt động canh gác, huấn luyện, học tập, chăn nuôi, trồng rau xanh cải thiện bữa ăn...Những thời điểm biển động tàu không ghé bến thì hàng tháng trời các anh không tiếp xúc với bất kỳ ai mà chỉ có những chú chó làm bầu bạn. Đến đây mới thấy ý nghĩa lớn lao của các hoạt động góp đá xây Trường Sa.

doan-dai-bieu-tp-hcm-hoan-thanh-chuyen-tham-truong-sa-va-nha-gian-dk1-voh.com.vn-anh3
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí Thư Thành ủy TP.HCM viết sổ lưu niệm tại nhà giàn DK1.

Đại biểu Lê Thùy Dương, bác sĩ quân y Bệnh viện 175 chia sẻ sự xúc động khi chứng kiến sự kiên cường của các chiến sĩ ở nơi đảo xa: "Khi biết tin sẽ được đi thăm các chiến sĩ ở Trường Sa thì tôi rất háo hức. Bởi vì mình cũng là một người lính trên bộ, đã trải qua những rèn luyện rất khó khăn trong lục quân, và giai đoạn dịch bệnh vừa qua cũng rất khắc nghiệt. Thế nhưng, khi mà đặt chân đến đảo thì thật sự mới thấy những gì mình đã trải qua cũng chỉ là một phần trong rất nhiều khó khăn phức tạp hơn nhiều. Thế nhưng các em dù tuổi còn rất trẻ, đến từ nhiều nơi đã đem hết sức trẻ của mình để bảo vệ biển. Các em ấy là những người hùng trong lòng mình".

Những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa đã dần được cải thiện. Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất mà các anh phải vượt qua đó là nỗi nhớ đất liền, nhớ người thân. Chính vì vậy khi có đoàn công tác đến thăm, nhiều chiến sĩ đã bày tỏ sự xúc động và gửi gắm nhiều tình cảm về đất liền:

Với chiến sĩ Trần Minh Huy: "Hôm nay được gặp đoàn TP.HCM, em rất vui. Em đã chờ đoàn từ rất lâu. Trước đó có đoàn Hà Nội, Khánh Hòa nhưng em đợi rất lâu mới được gặp đồng hương từ TPHCM. Em xúc động lắm. Nếu mà được gửi một lời về quê hương thì em muốn chúc gia đình bình an, mạnh khỏe và chờ ngày em về".

Còn chiến sĩ Lê Minh Tuấn thì: "Cảm giác em rất vui. Ở đảo chỉ có 16 người, hôm nay được gặp nhiều anh chị nên em rất vui. Em cũng không tin được là mình còn được đàn hát với các anh chị nghệ sĩ nữa".

Chiến sĩ  Nguyễn Thanh Phương gửi gắm: "Em mong ba mẹ ở nhà đừng lo cho em. Ở ngoài đây em được Đảng và Nhà nước lo rất đầy đủ, không thiếu thốn gì cả. Em muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ là nếu có cơ hội được đi hải quân thì hãy tiên phong đi đảo để biết được biển đảo quê hương mình đẹp như thế nào".

Chiến sĩ Nguyễn Thiên Vũ nhắn gửi: "Em muốn nhắn: Ba mẹ ơi, con thương ba mẹ lắm!. Sau này con sẽ về, cố gắng vì ba mẹ mà thay đổi".

doan-dai-bieu-tp-hcm-hoan-thanh-chuyen-tham-truong-sa-va-nha-gian-dk1-voh.com.vn-anh4
Phút giây đoàn tụ của các chiến sĩ và người thân.

Nhờ sự góp sức của đồng bào cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng, những ngôi nhà sinh hoạt văn hóa đã được xây dựng khang trang ở các đảo chìm như Cô Lin, Đá Nam... đã mang đến cho các anh thêm không gian, điều kiện sống và luyện tập tốt hơn. Bên cạnh đó là những phần quà mang nặng yêu thương đã được Đảng, chính quyền và nhân dân TP.HCM đóng góp chuyển đến các anh. Tổng kinh phí quà tặng xấp xỉ 28 tỷ đồng. Có 23 đơn vị, cá nhân đã tham gia đóng góp hàng hóa, nhu yếu phẩm, thực phẩm cho các điểm đảo, nhà giàn DK1. Trong đó các đại biểu TP.HCM đặc biệt gửi lời thăm hỏi, động viên 27 chiến sĩ đến từ TP.HCM đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại quần đảo Trường Sa. Dịp này, TP.HCM cũng đã trao tặng kinh phí 40 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa đa năng trên đảo Thuyền Chài B.

Chia sẻ về ý nghĩa của hoạt động này, đồng chí Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM nói: "Đây là điểm đảo thứ 2 mà Đảng bộ và chính quyền TP.HCM đã góp đá xây Trường Sa. Rất xúc động khi chúng tôi được tham gia lễ khởi công xây dựng công trình tại đảo Thuyền Chài B. Từ đó, chúng ta thấy rằng để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thì từng điểm đảo phải ổn định về cơ sở vật chất để các chiến sĩ có thể an tâm công tác và sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cũng thông qua những ngôi nhà được xây dựng để các chiến sĩ và ngư dân có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, đồng thời có điều kiện chiến đấu để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân TPHCM hăng hái lao động, tham gia sản xuất để tạo ra nhiều của cải hơn nữa để có điều kiện tham gia với các điểm đảo, các tuyến đầu giúp các chiến sĩ yên tâm gìn giữ biên cương Tổ quốc".

doan-dai-bieu-tp-hcm-hoan-thanh-chuyen-tham-truong-sa-va-nha-gian-dk1-voh.com.vn-anh5
Đoàn đại biểu TP.HCM trao tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Trở lại Trường Sa sau 10 năm, đồng chí Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí Thư Thành Ủy TP.HCM xúc động nói: "TP.HCM luôn ý thức việc bảo vệ biển đảo quê hương, tuyến đầu Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Lần này, đoàn thực hiện chuyến hải trình đến với quần đảo Trường Sa thân yêu của đất nước. Phải nói là rất xúc động khi chứng kiến sự thay đổi của các điểm đảo thể hiện sự quan tâm của Đảng, Bộ Quốc phòng và các tỉnh thành trên cả nước đã hỗ trợ cho tuyến đầu. Đoàn công tác của TP.HCM có đại biểu là y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, các cán bộ, đảng viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi có cùng một cảm xúc là rất bồi hồi xúc động. Từ những năm 1990, TP.HCM đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm Trường Sa. Mỗi năm đều có những thay đổi, tuy nhiên khó khăn vẫn còn chồng chất những khó khăn. Lần này cũng vậy, cũng có những nơi thiếu điện, nước ngọt. Tôi nghĩ TP.HCM cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở các điểm đảo an tâm công tác, gần hơn với đất liền".

doan-dai-bieu-tp-hcm-hoan-thanh-chuyen-tham-truong-sa-va-nha-gian-dk1-voh.com.vn-anh6
Các trẻ em ở Trường Sa vui mừng khi gặp ca sĩ Nguyễn Phi Hùng.

Quả thật như chia sẻ của đồng chí Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, 201 đại biểu của TP.HCM là đại diện cho hơn 10 triệu đồng bào thành phố mong muốn mang đến những sự động viên, sẻ chia từ đất liền đến với các anh. Nhưng chính những đại biểu trên tàu KN 290 cũng được nhận được sự động viên rất nhiều từ chính các anh. Chứng kiến sự chiến đấu kiên cường, anh dũng của người lính trước cái khắc nghiệt của nắng gió Trường Sa, nỗi nhớ đất liền, những thiết thốn khó thể bù đắp... những đại biểu lại càng vững tin bởi đã có các anh bảo vệ nơi biên cương Tổ quốc. Xin mượn những câu thơ của đại biểu BS Lê Minh Khôi - Bệnh viện Đại học Y Dược đã viết trên chuyến hành trình để khép lại bài viết này:

"Tôi đứng đây biển cả mênh mông

Đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn sừng sững

Ánh mắt, nụ cười, bàn tay nồng ấm

Những đứa con nòi giống Lạc Hồng

Tàu nổi còi rồi, rưng rưng thinh không

Hẹn nhé Phúc Tần, Sơn Ca, Nam Yết

Sóng vỗ thân tàu thay lời tiễn biệt

Mai đất liền sẽ thương lắm Trường Sa".

doan-dai-bieu-tp-hcm-hoan-thanh-chuyen-tham-truong-sa-va-nha-gian-dk1-voh.com.vn-anh7
Các nghệ sĩ biểu diễn phục vụ chiến sĩ Trường Sa.
Bình luận