Chờ...

Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong môi trường đại học

(VOH) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI có nội dung về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM có đề cập đến nội dung “Xây dựng TPHCM trở thành một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”. Hiện nay, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã được triển khai thực hiện ở mỗi cấp, mỗi ngành. Phóng viên VOH phỏng vấn với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TPHCM về vấn đề xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh trong môi trường đại học.

xay-dung-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-trong-moi-truong-dai-hoc-voh.com.vn-anh1
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TPHCM. (Ảnh: Phương Dung)

*VOH: Thưa ông, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI có nội dung về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố. Vậy thì hôm nay, xin được hỏi PGS một vấn đề đó là chúng ta xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong môi trường Đại học. Theo ông, vấn đề này đang được triển khai như thế nào?

- PGS Hà Minh Hồng: Hơn 60 đại học và học viện. Với khối lượng nhiều như vậy thì chắc chắn là nơi hội tụ khá nhiều đội ngũ trí thức, những người thanh niên, những người có nhiều lòng nhiệt tình với đất nước cùng với kiến thức khoa học để phục vụ cho sự nghiệp phát triển Thành phố, phát triển đất nước, và cả vấn đề của khu vực. Vì vậy sẽ có không gian thích hợp với những điều kiện như vậy nhưng vấn đề là sẽ liên quan đến đặc trưng riêng của Thành phố Hồ Chí Minh và liên quan trực tiếp đến lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, đó là từ thành phố này Người đã ra đi tìm đường cứu nước. Đó là vấn đề mà ở nhiều nơi khác không có được. Bây giờ chúng ta hiểu vấn đề đi tìm đường cứu nước như thế nào. Chính người đi tìm đường cứu nước như vậy từ hai bàn tay trắng, từ hai bàn tay mà chìa ra trước cửa Bến Thành với anh Lê, để nói lên nguyện vọng là muốn đi nước ngoài, muốn đi sang Pháp và các nước, để xem người ta làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào chúng ta. Phải chăng đó chính là sự khởi nghiệp đối với con đường cách mạng của dân tộc, với cả quốc gia dân tộc từ năm 1911 cho đến bây giờ. Văn hóa khởi nghiệp hiện nay chúng ta đang rất quan tâm. Vậy phải chăng chúng ta sẽ phải rất tập trung trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở trong đại học tại TPHCM, tập trung vào vấn đề khởi nghiệp mà đất nước chúng ta đang hội nhập và phát triển.

Thứ hai, bản thân Thành phố mang tên Bác cũng là vấn đề mà nhiều tỉnh thành khác không có được. Mà quá trình được mang tên Bác - Thành phố Hồ Chí Minh - quá trình mà nhân dân Thành phố vì hòa bình vì nền thống nhất. Tất cả những cái đó cho chúng ta thấy gắn liền với hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh. Rồi đến ngày 30/4, chúng ta thấy: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc tụ hội ở Thành phố suốt 30 năm đã trở thành động lực quan trọng để đưa đất nước, dân tộc đến thắng lợi 2 cuộc kháng chiến. Thế thì có phải đó là những vấn đề chúng ta phải lý giải, tại sao người dân cả nước tụ hội lại đây, cùng chia sẻ với nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong giai đoạn đó. Rồi Thành phố cũng vì cả nước, cùng cả nước, gắn liền với hình ảnh, tư tưởng, chỉ đạo của Bác Hồ trong suốt bấy nhiêu năm. Đó cũng là vấn đề mà chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu về chuyện này. Đó là động lực tinh thần và chuyển thành cơ sở sức mạnh về vật chất để chúng ta làm. Đó cũng là nội dung, điểm nhấn mà không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM có thể phải lấy đó làm trọng tâm để chúng ta xây dựng.

*VOH: Rõ ràng hệ thống đại học, trường đại học ở TPHCM rất nhiều. Và Ngọc Bích nghĩ rằng điều này sẽ góp phần làm cho việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong môi trường đại học sẽ phong phú và có ý nghĩa với các trường?

- PGS Hà Minh Hồng: Các trường bây giờ có nhiều ngành, đa số bây giờ đều là các đại học đa ngành cả. Trong đa ngành có những phần chuyên ngành, có những phần chuyên sâu, đặc biệt là ở những trường có ngành khoa học cơ bản. Thì đó là thế mạnh của những trường như vậy, họ có khả năng nghiên cứu và giảng dạy. Nhiều trường bây giờ có đội ngũ cán bộ, nghiên cứu khoa học đầu ngành ở đó. Cho nên việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ phải xây dựng một cách cụ thể ở từng trường, từng không gian cụ thể. Cả không gian hơn 60 trường thì có thể hình thành hơn 60 không gian cụ thể. Mỗi một không gian cụ thể sẽ phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức, của nhà khoa học, của thế hệ thanh niên, của sinh viên ở lứa tuổi đang có nhiều khả năng học tập, cống hiến nhiều nhất thì họ sẽ có khả năng sáng tạo rất lớn.

Các trường đại học, học viện đều có không gian về mặt địa lý, có không gian về vật chất để xây dựng không gian cụ thể giống như các phòng Hồ Chí Minh trong quân đội. Không gian trong đại học chắc chắn có nhiều hoạt động hơn, gắn liền với đời sống kinh tế, đời sống xã hội, văn hóa, khoa học, đời sống công nghệ của đất nước. Như vậy sẽ có khá nhiều khả năng để các không gian văn hóa (như phòng văn hóa, phòng đọc Hồ Chí Minh, điểm sinh hoạt Hồ Chí Minh) hoạt động thì sẽ có khá nhiều hoạt động cụ thể ở đó, đem lại hiệu quả thiết thực cho các trường, cho đội ngũ trí thức. Và chúng tôi cũng biết có khá nhiều nhà khoa học khi nghiên cứu về Hồ Chí Minh, học tập và làm theo Bác thì họ đã có những không gian văn hóa Hồ Chí Minh của họ.

*VOH: Riêng với sinh viên, những người chủ tương lai của đất nước thì việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ có tác động đến nhận thức, việc làm của họ như thế nào?

- PGS Hà Minh Hồng: Chắc chắn khi chúng ta có sự chuyển động lớn của cả xã hội, của Thành phố, của hệ thống đại học thì thế hệ đó sẽ hiểu rõ hơn về kết quả nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Nghiên cứu về việc Người ra đi tìm đường cứu nước, nghiên cứu về tư tưởng của Người, nghiên cứu về đạo đức tác phong của Người, nghiên cứu về những điều gắn liền với đời sống nhân dân. Thì điều đó giúp các em sinh viên đó thấy rõ tính thiết thực gắn với đời sống của mình, đối với cống hiến của mình. Thế hệ bây giờ phải làm giàu, hãy đưa đất nước đến phồn thịnh, phồn vinh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Những điều đó là điều mà các thế hệ trẻ ngày nay chắc chắn khi thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, thấm nhuần bài học của Hồ Chí Minh, lời dạy của Hồ Chí Minh cho nên tôi tin chắc khi chúng ta xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở môi trường đại học sẽ đem đến kết quả thiết thực cho sản phẩm đầu ra cho các trường.

Bản thân mỗi sinh viên đó sẽ có sản phẩm đầu ra ngoài kiến thức văn bằng,m kiến thức chuyên ngành thì còn có hình ảnh, tư tưởng, nếp sống, đạo đức, tác phong học tập được trong môi trường đại học lúc đó, thấm đẫm tư tưởng, văn hóa Hồ Chí Minh. Và điều này sẽ đi vào hành động thiết thực nhất.

*VOH: Cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng!