Chờ...

Đổi mới nâng cao hiệu quả đầu tư công

(VOH) - Trong phiên làm việc hôm nay, các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường về đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.

Trao đổi bên hành lang quốc hội, các đại biểu đều có chung nhận định kỷ luật, kỷ cương tài chính về đầu tư công đã đi vào nề nếp, mặc dù giải ngân còn khó khăn nhưng cũng thể hiện sự thận trọng hơn, chặt chẽ hơn trong quản lý đầu tư công. Thời gian tới cần tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Đổi mới nâng cao hiệu quả đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình KTXH năm 2018 và kế hoạch phát triển KTXH năm 2019. Ảnh: quochoi

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM đánh giá, hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện một bước, bước đầu khắc phục được tình trạng quyết định chủ trương và quyết định đầu tư chưa phù hợp, thậm chí tùy tiện, không căn cứ vào khả năng cân đối vốn, giảm được nợ đọng xây dựng cơ bản, quản lý chặt chẽ vốn ứng trước và khắc phục được tình trạng phân bổ hàng năm. Cơ cấu chi ngân sách cho đầu tư phát triển có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ ngân sách các năm 2016-2018 tăng lên mức 26 - 27%, vượt mục tiêu đặt ra là 25 - 26%. Cơ cấu đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực được điều chỉnh phù hợp hơn.

"Những mục tiêu quốc hội đề ra chính phủ đang nỗ lực rất nhiều để thực hiện nghị quyết đó. Một trong những việc tôi muốn chia sẻ ở đây là vì sao chúng ta đang có kết quả tốt đẹp: nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Ngoài ra quan trọng nhất tinh thần của nghị quyết, chính sách của chính phủ sát với thực tế. Chính phủ mà cụ thể là Thủ tướng Chính phủ đi đến điểm nóng rất nhanh để giải quyết nhanh vấn đề bức xúc của xã hội…", ông Ngân cho biết thêm.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội nhận định, thành công lớn nhất trong bối cảnh nguồn vốn rất hạn hẹp, không có nhiều nguồn vốn huy động thêm nhưng chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề đó là đầu tư trọng điểm không dàn trải. Chính vì vậy, đã giúp cho một số dự án dở dang được hoàn thành sớm đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Đại biểu cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục duy trì những kết quả đạt được; đặc biệt khi quyết định đầu tư cần xác định rõ nguồn vốn.

"Khi phê duyệt dự án phải xác định rõ nguồn vốn ở đâu, trong nguồn vốn đó thì đâu là phần nào nguồn vốn của chính phủ hoặc đối tác vốn vay, phần nào nguồn vốn đối ứng. Phải rõ. Nếu đã chỉ ra rồi mà nơi cam kết không thực hiện được thì rõ ràng đấy thuộc về trách nhiệm bên cam kết vốn đã phê duyệt. Tôi nghĩ rằng việc đó cần phải làm chặt chẽ hơn, có lẽ phải xử lý những dự án đó hoặc thậm chí những người đã phê duyệt dự án mà khi phê duyệt xong rồi mà không có nguồn vốn để cung cấp", ông Cường nói thêm.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, về vấn đề đầu tư công, điều các cử tri băn khoăn là tính hiệu quả, dàn trải của các công trình đầu tư. Các cử tri mong muốn tập trung vào những công trình thực sự hiệu quả, đi từ đầu tới cuối công trình: "Cử tri thì nói là tiền đó là tiền thuế của dân. Đầu tư thì phải thận trọng hiệu quả. Mong muốn là công tác đầu tư công sát với thực tế, khả thi hơn nữa, cũng mạnh dạn tránh việc dàn trải đồng đều các vùng miền, mạnh dạn đầu tư đi đến cùng một nhóm vấn đề, có thể tạm dừng một số vấn đề khác".