Đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc, BHYT, BHTN trên Cổng DVCQG

(VOH) - Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN cho đơn vị sử dụng lao động trên Cổng DVCQG sẽ giúp tiết kiệm cho xã hội tối thiểu 1.300 tỷ đồng/năm.

Việc đưa dịch vụ công đóng Bảo hiểm Xã hội (BHXH) bắt buộc, Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bảo hiểm Thất nghiệp (BHTN), Bảo hiểm Tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) cho đơn vị sử dụng lao động trên Cổng DVCQG sẽ giúp tiết kiệm cho xã hội tối thiểu 1.300 tỷ đồng/năm.

Thay vì phải đến ngân hàng hoặc cơ quan BHXH để đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN, các đơn vị sử dụng lao động có thể thực hiện dịch vụ công này ở mức độ 4 trên Cổng DVCQG - Ảnh minh họa

Tại lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ tới đây (dự kiến ngày 19/8), VPCP và các bộ, ngành liên quan sẽ công bố thêm các dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG.

Theo đó, ngoài dịch vụ công thứ 1.000 là cấp đăng ký, biển số xe điện tử được đông đảo người dân mong chờ, còn 2 dịch vụ công thiết yếu khác, đó là đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho đơn vị sử dụng lao động và liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, báo cáo tình hình thay đổi lao động.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cho biết, đến nay đã hoàn thành tiến độ tích hợp 2 dịch vụ này lên Cổng DVCQG và đã thực hiện kiểm tra thử trên môi trường thực, sẵn sàng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, dịch vụ công đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho đơn vị sử dụng lao động sẽ là dịch vụ công thứ 998 trên Cổng DVCQG.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với VPCP nghiên cứu, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ và xây dựng phương án, quy trình điện tử đối với thủ tục này để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4 trên Cổng DVCQG.

Ước tính, dịch vụ này sẽ phục vụ 780.096 đơn vị tham gia đóng BHXH cho hơn 14,4 triệu lao động và 12,7 triệu BHYT của người lao động hằng tháng.

Bởi hiện nay, các đơn vị sử dụng lao động hằng tháng đều làm bằng hình thức thủ công (chuẩn bị chứng từ ủy nhiệm chi, đến ngân hàng hoặc cơ quan BHXH để đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho người lao động). Do đó, nếu thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bên cạnh thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, còn giúp đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm được ít nhất một ngày công mỗi tháng cho việc thực hiện thủ tục này.

Nếu chỉ lấy con số 501.044 đơn vị sử dụng lao động đã có giao dịch điện tử với BHXH thì số tiền tiết kiệm của toàn xã hội hằng năm sẽ khoảng 1.300 tỷ đồng/năm.

Còn dịch vụ liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN và báo cáo tình hình thay đổi lao động sẽ là dịch vụ thứ 999. Đây là dịch vụ liên thông giữa ngành BHXH và ngành LĐTB&XH.

BHXH Việt Nam, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với VPCP nghiên cứu tái cấu trúc quy trình liên thông và xây dựng, tích hợp dịch vụ. Đến thời điểm này, tất cả quy trình đã thực hiện xong.

Việc thực hiện dịch vụ này sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm thủ tục báo cáo tình hình thay đổi lao động (6 tháng, một năm, đột xuất), đồng thời, giúp chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý lao động giữa các cơ quan nhằm bảo đảm việc thực hiện tốt hơn chức năng quản lý giữa các cơ quan.

Theo tính toán, nếu thực hiện dịch vụ liên thông điện tử, đơn vị sử dụng lao động sẽ tiết kiệm được ít nhất 2 ngày công/năm, chi phí tiết kiệm của xã hội hằng năm tối thiểu là 344 tỷ đồng.

Ưu tiên những dịch vụ công nhiều người dùng nhất

Mới đây nhất, tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với 10 bộ, cơ quan về xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính vào ngày 10/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhu cầu ứng dụng công nghệ của người dân và doanh nghiệp là rất lớn, vì vậy việc triển khai Chính phủ điện tử mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Về việc tích hợp các dịch vụ công trên Cổng DVCQG, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu không chạy theo số lượng mà quan trọng là phục vụ người dân, hiệu quả nhất. Nếu dịch vụ công đưa lên mà không có quy trình tốt, không hiệu quả, vẫn là rào cản cho người dân thì không phải mục tiêu cải cách của Thủ tướng.

“Tinh thần chỉ đạo của Thủ trướng Chính phủ là cái gì người dân, doanh nghiệp cần nhất thì làm trước, những gì chưa cấp thiết thì làm sau, chứ không phải chỉ đưa lên để lấy thành tích báo cáo”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Đồng thời, đề nghị các bộ, cơ quan muốn đưa dịch vụ lên Cổng DCVQG phải cấu trúc lại thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Những dịch vụ nào đưa lên mà sau đó không có hồ sơ thực hiện, hoặc không hiệu quả sẽ bị loại bỏ khỏi Cổng Dịch vụ công quốc gia.

K.H (theo Văn phòng Chính phủ)

Bình luận