Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cảm ơn nhân dân trong bối cảnh những ngày sau thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, bước đầu cho thấy kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.
Nghe bài viết:
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu toàn dân đồng lòng, toàn dân chống dịch thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng. Ảnh: VGP
Minh chứng điều đó trong những ngày qua, số liệu ca nhiễm Covid-19 mới đang ít dần. Sự đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên tinh thần lĩnh hội cao nhất “chống dịch như chống giặc” cùng sự chung tay hiệp lực từ nhân dân đó là sức mạnh không có gì so sánh được. Dù phía trước vẫn còn không ít khó khăn tuy nhiên, những tín hiệu vui, tia sáng đang dần mở để Việt Nam quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Chưa bao giờ mà hơn ai hết chúng ta cảm nhận rất rõ sự quyết liệt của Đảng, Chính phủ ngay từ lúc đầu khi dịch Covid-19 mới xuất hiện. Sự cảnh giác, quyết tâm cao độ hiện rõ đặc biệt từ khi có ca nhiễm mới xuất hiện trở lại vào thời điểm tuần đầu tháng 3.
Tuy nhiên, các kịch bản chủ động ứng phó với rất nhiều tình huống, nhiều cấp độ đã được Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đặt ra từ trước. Sự chuẩn bị rất căn cơ, bày bản từ các ban, ngành đặc biệt là ngành y tế đó là sự khởi đầu trở lại để quá trình phòng chống dịch về sau không bỡ ngỡ. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể thấy được khi trong thời gian qua, các chiến sĩ áo trắng đã luôn nỗ lực trên cả sức mình, họ luôn hòa mình vào công cuộc phòng chống dịch của Thành phố, không hề có sự so đo, tính toán.
Bất kể là bác sĩ điều trị hay dự phòng, họ đều san sẻ phần việc thay nhau sẵn sàng luân phiên đến công tác tại các bệnh viện dã chiến của thành phố chuyên tiếp nhận và chăm sóc người bệnh nhiễm Covid- 19 cho dù biết rằng luôn có nhiều nguy cơ rình rập đến sức khoẻ của mình. Làm việc quên mình, hết lòng vì bệnh nhân đó là điều mà các bệnh nhân điều trị trong khu cách ly cảm nhận được. Một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi cho biết với tâm trang đầy cảm xúc: “Nói chung bác sĩ các nhân viên y tế chăm sóc tôi rất nhiệt tình. Ngày nào cũng đi kiểm tra nhiệt độ, đo thân nhiệt, lấy dịch mũi, cổ đi khám, rồi nếu em có lên cơn sốt hay bất kỳ triệu chứng nào bác sĩ đều rất quan tâm cho thuốc uống điều trị. Ba tuần qua đến hôm nay sức khỏe em cải thiện rất nhiều”.
Bác sĩ Huỳnh Hồng Phát đang tham gia trực tiếp công tác điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi chia sẻ, với bệnh nhân điều trị họ thường bị áp lực tâm lý rất lớn vì đây là dịch bệnh lạ, chưa có thuốc hay vắc xin phòng bệnh. Nhiều bệnh nhân phải vào phòng cách ly áp lực âm họ rất khủng hoảng tâm lý. Hơn ai hết, người thầy thuốc phải bằng cách này cách khác để làm cho họ nhẹ đi tâm lý, thoải mái thì lúc đó việc điều trị sẽ thêm phần hiệu quả. Và khi đã làm nghề, bất kể khi nào, ở đâu, khi có hữu sự là bản thân bác sĩ sẽ lên đường nhận nhiệm vụ: “Lúc mình đi chưa biết tình hình nên cũng hơi sợ nhưng lên đây ngày đầu thôi là đã thấy rất bình thường, thấy không khí vui, thoải mái, không có gì đáng sợ như nhiều người nghĩ. Nếu mình bảo hộ, tuân thủ nguyên tắc an toàn là được. Khi mình vào nghề là phải chấp nhận hết kể cả lúc sướng vui hay lúc cực khổ”.
Sự tân tụy, nhiệt tâm của người thầy thuốc, của nhân viên y tế tại các bệnh viện điều trị Covid-19 hay tại khu cách ly tập trung là điều mà bệnh nhân hay người đang thực hiện cách ly rất dễ dàng cảm nhận. Tại các khu cách ly tập trung của thành phố, từ khâu điều tra người tiếp xúc với người mắc bệnh cho đến công tác làm xét nghiệm lên đến hàng nghìn trường hợp nhưng đội ngũ nhân viên nhân viên y tế chưa bao giờ có thái độ cau có hay phiền muộn ảnh hưởng đến tâm lý người được cách ly. Trái lại, họ luôn là người quan tâm, động viên, tạo tâm lý thoải mái nhất có thể cho người cách ly. Chia sẻ của bạn Nguyễn Hồng Tiến – đang thực hiện cách ly tập trung sau khi đi châu Âu về: “Mỗi ngày mấy anh chị sẽ kêu tụi em nhận thức ăn ba lần. Rồi đo nhiệt độ theo 2 buổi, buổi sáng từ 8 giờ, chiều từ 3 giờ. Rồi lấy mẫu xét nghiệm 2 lần trong ngày. Khi đi về tụi em biết mình đi cách ly vì đây là trách nhiệm , bổn phận mình phải thực hiện. Khi vào đây rồi tại khu này em thấy cũng rất là thoải mái”.
Như chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Thành phố, việc thực hiện cách ly tập trung xem như là một “chốt chặn” cực kỳ quan trọng trong kiểm soát, không để mầm bệnh lây lan trong cộng đồng: “Khi chúng ta ra quyết định cách ly người nhập cảnh vì những người này đi về từ vùng dịch.Chẳng hạn trước đây là Hồ Bắc – Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Ý, Iran rồi đến các nước Châu Âu, Mỹ, Asean. Bởi vì những người này đi về từ vùng dịch theo định nghĩa của Bộ Y tế, những người có nguy cơ mắc bệnh nên chúng ta đưa vào khu cách ly để hạn chế lây lan cho cộng đồng nếu chẳng may những người này nhiễm bệnh. Đây là mục đích hàng đầu của việc cách ly”
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ đầu mùa dịch, các sở ngành đã phối hợp trong công tác phòng chống Covid-19 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, không được phép lơ là. Sự nỗ lực cùng đã góp phần cho công tác chống dịch của Thành phố đạt hiệu quả. Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố, cho biết: “Ủy ban vừa mới ra lệnh là vài tiếng sau Ban có ngay văn bản hướng dẫn quận, huyện. Chúng tôi có lợi thế có hệ thống các đội an toàn thực phẩm nên khi chủ trương có chốt chặn là chúng tôi phân công anh em ngay và cứ thế thay ca cho nhau. Đó là những việc tham gia với Thành phố còn công việc thường xuyên của Ban vẫn phải đảm bảo đặc biệt trong mùa dịch tập trung các đối tượng nguy cơ như là khu cách ly, bếp ăn tập thể cho công nhân, chợ đầu mối, rồi khâu sản xuất chế biến thực phẩm mà phải tăng ca trong thời điểm hiện nay, tăng ca thì nguy cơ cũng sẽ tăng. Làm sao phải bảo đảm và giữ đúng tất cả quy định”.
Sau quá trình nỗ lực không ngơi nghỉ từ Trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo Thành phố đến các sở, ngành đặc biệt vai tró đầu tàu, chủ công của ngành y tế, hiện nay có thể thấy nguy cơ lây nhiễm ở nước ta hiện ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới . Cả nước hiện nay có 25/63 tỉnh - thành của cả nước có người mắc Covid – 19, nghĩa là 60% số tỉnh, thành chưa có trường hợp mắc. Đây là kết quả hết sức quan trọng đối với công tác phòng chống dịch bệnh tính đến thời điểm hiện tại. Công tác phòng chống dịch đang thực hiện rất tốt với phương châm phòng dịch là hàng đầu, rà soát kỹ những người có nguy cơ lây lan, hạn chế thâm nhập bên ngoài, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ được khoảng cách an toàn. Đây là những nguyên tắc thực hiện phòng chống dịch bước đầu đã cho thấy kết quả khả quan nhất là sau khi quán triệt triển khai nhất quán chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ. Đánh giá cao sự chuẩn bị chủ động trong điều trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid – 19 chiều 6 tháng 4 như sau: “Thành phố Hồ Chí Minh về năng lực chữa bệnh cho người nhiễm cũng đã sẵn sàng với 2.300 giường để phục vụ điều trị người mắc Covid - 19. Song hiện nay chỉ 5% số giường đang được sử dụng và còn 95% giường chưa cần sử dụng đến. Nếu chúng ta theo dõi các nước như Mỹ , Châu Âu thì rất nhiều nơi bệnh viện phải quá tải nhưng chúng ta đang ngược lại, chúng ta dùng không tới 5% năng lực của bệnh viện thành phố để chữa, sẳn sàng như vậy. Kết quả này cho thấy sự chủ động của Thành phố trong thời gian qua”.
Với những gì đã thấy về tín hiệu vui bước đầu trong việc giảm số ca nhiễm, nhất là với việc vào cuộc với quyết tâm cao, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt trong một tâm thế chống dịch chủ động. Trên tinh thần lĩnh hội chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong đó có cách ly xã hội, chúng ta thấy rất rõ một sự cộng hưởng tuyệt vời, hưởng ứng từ người dân Thành phố, người dân cả nước để có được thành quả bước đầu. Tín hiệu lạc quan này cho thấy phương pháp tiếp cận và chủ trương phòng chống dịch chủ động nhưng không chủ quan là hoàn toàn đúng đắn. Mọi quyết sách luôn đặt việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân lên hàng đầu, thấy được cốt lõi, chân giá trị điều này, thì có được sự đồng lòng là điều tất yếu. Và đây là bàn đạp vững chắc để Việt Nam tiến lên chiến thắng đại dịch trong một ngày không xa.