Đừng hiểu nhầm sẽ cho thuê lòng đường, vỉa hè trên 900 tuyến đường

VOH - Đó là ý kiến của ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM tại buổi họp mặt báo chí ngành giao thông vào sáng 26/1.

Trước đó, Sở GTVT TPHCM công bố danh sách gần 900 tuyến đường được phép sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường làm điểm giữ xe, kinh doanh... có thu phí với mức 20.000-350.000 đồng/ m2.

Đây là danh mục các tuyến đường đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm một phần làm điểm giữ xe, kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa,… có thu phí. Khi người dân trên các tuyến đường này có nhu cầu thì đều có thể áp dụng kịp thời.

Theo ông Lâm, việc thu phí sử dụng tạm lòng đường, hè phố là quyết sách của thành phố, là công cụ để góp phần quản lý trật tự đô thị, lòng đường hè phố theo hướng thích ứng và phù hợp với quy định pháp luật, hướng đến đô thị văn minh.

Đừng hiểu nhầm sẽ cho thuê lòng đường, vỉa hè trên 900 tuyến đường 1
Ảnh: Phi Yến

“Năm 2024 sẽ là năm hạ tầng phát triển nhanh, bức tranh đô thị thành phố sẽ tươi sáng, hiện đại hơn trong những năm tiếp theo” - Đó là kỳ vọng của Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm khi nhìn lại những điểm sáng của năm 2023.

Điển hình là dự án Vành đai 3 dài 76km với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỉ đồng, là công trình giao thông lớn nhất phía Nam được khởi công vào tháng 6/2023. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng của thành phố  và các địa phương của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Lần đầu tiên, TPHCM thực hiện hiệu quả việc điện tử hóa hệ thống thu phí cảng biển với nguồn thu đến thời điểm này là hơn 4.000 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển công trình hạ tầng giao thông kết nối với cảng biển như nút giao Mỹ thủy, An Phú , tuyến đường Liên Cảng Cát lái Phú Hữu.

Hiện Sở GTVT TPHCM đề xuất thực hiện 5 dự án BOT trên đường cũ. Đây là 5 dự án chiến lược của thành phố và phấn đấu khởi công vào năm 2025.

Gồm dự án Đường nối trục Bắc Nam- nối từ nút giao Nguyễn Văn Linh Nguyễn Hữu Thọ kết nối nút giao đường Bến Lức Long Thành; Cầu đường Bình Tiên từ quận 6 Bắc sang quận 8 kết nối về đường Nguyễn Văn Linh; 

Quốc lộ 13 kết nối với Bình Dương. Thứ tư quốc lộ 22  nối từ vành Đai 3 về An Sương kéo dài để i giải quyết ách tắc trục Trường Chinh vào sân bay Tân Sơn Nhất; Nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc Bình Điền. 

Bên cạnh đó, TPHCM còn 2 dự án chiến lược lớn nghiên cứu và trình thẩm định là cầu Thủ Thiêm 4 và cầu Cần Giờ.

Năm 2024, với tinh thần phục vụ trong toàn ngành giao thông, hy vọng năng lực thông hành từ các dự án giao thông chiến lược của TPHCM sẽ ngày càng hiệu quả hơn.

Bình luận