Tại họp báo, ông Phạm Đức Hải - Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM thông tin về tình hình cấp độ dịch tại TPHCM. Theo đó, đến ngày 23/12/2021, đối với thành phố đạt cấp độ 2. Đối với cấp quận, huyện, thành phố Thủ Đức, đạt cấp độ 1 là 9/22; đạt cấp độ 2 là 13/22 quận, huyện.
Về kết quả sau 2 tuần thí điểm cho học sinh học trực tiếp, ông Phạm Đức Hải thông tin: “Sau 2 tuần phát hiện 47 trường hợp F0 bao gồm 40 học sinh, 7 giáo viên ở 15 quận, huyện. 47 F0 này đều được xử lý theo quy trình và đều thông báo rõ ràng cho tất cả phụ huynh nên phụ huynh rất an tâm để cho học sinh tiếp tục được đến trường. Do vậy, hiện nay việc học của lớp 9 và lớp 12 vẫn đang được tiếp tục. Hiện nay, Sở Giáo dục đã báo cáo với thường trực UBND thành phố và thường trực UBND thành phố đang xem xét và sẽ công bố việc học tiếp theo trong thời gian sớm nhất”.
Liên quan đến hình thức thi học kỳ 1 của các em học sinh học trực tiếp cũng như học trực tuyến trong thời gian tới, ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và đào tạo TPHCM thông tin, tại điều 6 của thông tư 09 ghi rõ việc kiểm tra, đánh giá học kỳ đối với trường hợp học sinh được học trực tuyến thì sẽ được thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo dục khi các em đi học lại. Còn trong trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm diễn ra kiểm tra đánh giá vì lý do bất khả kháng thì việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định hình thức kiểm tra đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo. “Do đó, đối với khối Trung học cơ sở, tất cả các em học sinh từ khối 6 đến khối 9, cũng như trung học phổ thông từ lớp 10 đến lớp 12 thì các em sẽ được kiểm tra đánh giá học kỳ 1 tại trường. Thông tư này cũng chỉ rõ có 1 bộ phận học sinh mà không tham gia trực tiếp được vì nhiều lý do thì hiệu trưởng điều chỉnh quy chế đánh giá trong nhà trường để quyết định hình thức học tập cho các em học sinh này”.
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên đặt ra là hiện nay tình trạng nhiều F0 đã tự mua thuốc điều trị Covid-19 mà không báo cho ngành y tế, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, việc mà sử dụng thuốc không có chỉ định hoặc là không có kê đơn thì là bị vi phạm. Và những người uống những loại thuốc tự mua mà không qua kê đơn thì rất nguy hiểm, đặc biệt là gói thuốc C. Sở Y tế cũng rất đắn đo khi mà đưa vào chăm sóc hướng dẫn F0 điều trị tại nhà, các tác dụng phụ của sản phẩm này rất là lớn. Do vậy, chúng ta cần phải cân nhắc, tự mua thuốc thì phải cẩn trọng. “Đối với túi thuốc C, tức là thuốc kháng virus thì hiện nay không được phép bán trên thị trường nên có mua thì cũng không có. Do vậy, nếu chúng ta mua những sản phẩm trôi nổi không đảm bảo thì tiền mất tật mang”.
Đến 31/12, Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn tất chi hỗ trợ 3 đợt Theo ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh trong thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người đứng đầu các đơn vị đã theo dõi sát tình hình diễn biến dịch và phục hồi kinh tế, có những giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện của địa phương. Do đó, ông Dương Anh Đức đề nghị lãnh đạo các đơn vị tập trung hơn nữa với tinh thần cảnh giác cao nhất, quyết tâm hơn nữa để kéo giảm các chỉ số liên quan tiến tới kiểm soát dịch bệnh như trước khi xảy ra đợt dịch thứ 4. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương hoàn tất hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bao gồm cả đợt 1, đợt 2 và đợt 3 đến hết ngày 31/12. |