Giá vé máy bay tăng, công ty du lịch, người dân dự tính gì?

Các hãng hàng không vừa mở đợt bán vé Tết nhưng nhiều chặng tới các thành phố du lịch ở mức cao. Thông tin khiến các doanh nghiệp du lịch và người dân có nhu cầu di chuyển đường hàng không tâm tư.

Ông Đinh Hiếu Nghĩa, Giám đốc truyền thông, công ty Du lịch lữ hành Tugo cho biết, công ty thường lấy series vé đoàn cả năm nên việc tăng vé máy bay thời vụ không ảnh hưởng gì đáng kể. Các doanh nghiệp du lịch lớn thường thực hiện cách này. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Việc giá vé máy bay ở mức cao khiến một số thời điểm sẽ có tình trạng giá trọn gói các tour nước ngoài còn cao hơn giá vé máy bay nội địa, chưa tính đến các chi phí khác.

Bà Nguyễn Ngọc Thư, Giám đốc công ty du lịch BiTour cũng cho hay giá vé máy bay chiếm 40 – 50% vé tour. Việc tăng giá vé máy bay mỗi dịp lễ, Tết “đến hẹn lại lên” nhưng năm nay, khi “sức khỏe” ngành du lịch chưa hoàn toàn phục hồi, người dân vẫn còn thắt chặt chi tiêu sẽ tác động đến cả hoạt động ngành hàng không lẫn các doanh nghiệp lữ hành và người dân.

Ông Trần Quang Duy, Giám đốc công ty Cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chim cánh cụt cho biết việc giá vé máy bay tăng làm cho giá tour đẩy lên cao dù khi bán tour, công ty phải tính toán cân bằng chi phí tốt nhất cho khách. Dù giá tour hợp lý nhưng khi biết giá vé máy bay cao nhiều khách cũng chần chừ hoặc không mua tour. Và khách có thể so sánh tour du lịch trong nước với tour nước ngoài.

Giải pháp để khách có thể linh hoạt lựa chọn, tiết giảm chi phí là với các tour đi gần như từ TPHCM đi các tỉnh miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên thì công ty thêm các phương thức di chuyển bằng tàu, xe để khách lựa chọn, còn các tour khoảng cách địa lý xa thì không có phương thức thay thế vì di chuyển bằng phương tiện khác mất rất nhiều thời gian.

Thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, tổng thị trường hành khách 9 tháng của năm 2023 đạt 56,3 triệu khách, tăng 39,5% so với cùng kỳ 2022; trong đó khách quốc tế: 23,7 triệu khách, tăng 266.8% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 76,5% cùng kỳ 2019; khách nội địa là 32,6 triệu khách, giảm 3.6% so với cùng kỳ năm 2022.

Vậy là dù số liệu tổng sản lượng hành khách khởi sắc, nhưng số khách nội địa lại ít mặn mà với di chuyển bằng đường hàng không hơn.

Ông X. Sang (quận 1) cho biết có đọc thông tin về giá vé máy bay tăng vào dịp Tết nên đang tính việc gia đình đi du lịch tự túc bằng xe ô tô riêng. Hiện nhiều cao tốc đã thông xe, nối các tỉnh thành khá xuyên suốt, thời gian di chuyển nhanh, nên gia đình có thể du xuân từng chặng, sắp xếp nghỉ ngơi hợp lý thì vẫn sẽ có tour tết thú vị và tiết kiệm.

Bà T. Nguyên (quận Bình Thạnh) cho biết rút kinh nghiệm đợt nghỉ lễ trước sẽ không mua vé máy bay sớm để hưởng lợi giá rẻ, vì khi giá còn nhiều, sát ngày các hãng giảm giá thì mua trước thành ra bất lợi. Còn nếu sát ngày, giá vé tăng quá cao, gia đình bàn là sẽ thuê xe cùng về quê, chia bình quân từng người vẫn sẽ lợi hơn.

Không chỉ du lịch, việc thăm thân nhân, về quê đón Tết là nhu cầu cần thiết của rất nhiều người dân mỗi dịp cuối năm. Năm nay kinh tế vẫn còn khó khăn nếu giá vé quá cao thì người dân sẽ hạn chế đi lại, đổi sang phương tiện khác như tàu hỏa, ô tô... có thể dẫn đến tình trạng vé ế ẩm như kỳ nghỉ hè và dịp lễ 30/4 vừa qua. Vậy thì tăng giá vé được lợi hay lại đưa mình vào thế khó đoán định, ổn định? 

Bình luận