Giá xăng giảm bao nhiêu khi thuế bảo vệ môi trường giảm?

(VOH) - Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường, trong đó giảm 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn.

Mức điều chỉnh áp dụng từ 1/4 đến 31/12/2022. Từ ngày 1/1/2023, mức thuế này sẽ thực hiện theo quy định hiện hành tại nghị quyết số 579 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày nêu rõ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn như sau: xăng giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Với nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít. 

bảo vệ môi trường
Giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu

Tờ trình nêu rõ, xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Giải pháp nghiên cứu điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giải pháp phù hợp và cần thiết.   

Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường này sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ, từ đó làm hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, ổn định lạm phát... 

Cũng trong ngày hôm nay (23/3/2022), tại Công văn số 1808/VPCP-KTTH, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành giá xăng dầu; bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, góp phần cân đối cung cầu phục vụ thị trường trong nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân theo đúng ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ trong thời gian vừa qua; kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền.

Thuế bảo vệ môi trường là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật bảo vệ môi trường năm 2010: Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

* Đặc điểm của thuế bảo vệ môi trường

+ Thuế bảo vệ môi trường là một loại thuế gián thu.

+ Đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường là hàng hóa có tác động xấu với môi trường.

+ Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế áp dụng thuế tuyệt đối.

+ Thuế bảo vệ môi trường chỉ điều tiết một lần vào khâu đầu tiên hình thành nên hàng hóa chịu thuế trên thị trường nội địa.

+ Mục tiêu quan trọng nhất của thuế bảo vệ môi trường là tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

* Đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường

Tại Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2010 quy định đối tượng chịu thuế như sau:

1. Xăng, dầu, mỡ nhờn, bao gồm:

a) Xăng, trừ ethanol;

b) Nhiên liệu bay;

c) Dầu diesel;

d) Dầu hỏa;

đ) Dầu mazut;

e) Dầu nhờn;

g) Mỡ nhờn.

2. Than đá, bao gồm:

a) Than nâu;

b) Than an-tra-xít (antraxit);

c) Than mỡ;

d) Than đá khác.

3. Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC).

4. Túi ni lông thuộc diện chịu thuế.

5. Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng.

6. Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.

7. Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng.

8. Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.

9. Trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quy định.

* Đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường

Đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường được chia làm 2 nhóm:

Đối tượng 1: Tất cả các hàng hóa ngoài 8 loại hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường;

Đối tượng 2: Các sản phẩm hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế môi trường nhưng không được sử dụng ở Việt Nam bao gồm:

– Hàng hoá vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam theo quy định của pháp luật;

– Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu trong thời hạn theo qui định của pháp luật;

– Hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua hàng hoá thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường để xuất khẩu.