Sáng nay 30/9, Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và trao đổi, giải đáp các vướng mắc liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành theo Kế hoạch số 7350/KH-STNMT-PC ngày 31/8/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu tại hội nghị bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám Đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết trong quá trình triển khai các thủ tục pháp lý về môi trường, tổ chức thực hiện phân loại rác tại nguồn hay ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt... Theo quy định mới của Luật BVMT năm 2020, vẫn còn những vướng mắc, bất cập giữa thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh với quy định của pháp luật. Một trong những nguyên nhân do các cách hiểu khác nhau dẫn đến cách thức tổ chức, triển khai cũng sẽ có điểm khác nhau... Do đó, hội nghị với sự tham dự của Tổng cục Bảo vệ Môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng để các địa phương trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Môi Trường, Bộ Tài Nguyên & Môi Trường cho biết Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 đã có nhiều nội dung, chính sách mới, đánh dấu bước thay đổi phương thức quản lý, bảo vệ môi trường. Trong đó đặt ra vai trò trọng tâm của người dân,doanh nghiệp; Cơ quan nhà nước chỉ giữ vai trò kiến tạo; Chuyển dần từ quản lý bằng mệnh lệnh hành chính sang quản lý bằng các công cụ kinh tế, sử dụng quy luật của kinh tế thị trường; Tăng tính công khai minh bạch về quản lý, bảo vệ môi trường, có những chế định và quy định cụ thể hơn......
Ông cũng nhấn mạnh những điểm mới của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP trong việc chú trọng trách nhiệm và vai trò doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm, Tăng cường phân cấp cho các phường xã...
Báo cáo chuyên đề Thay đổi phương thức quản lý môi trường của dự án đầu tư theo các tiêu chí về môi trường, ông Vũ Tài Huy - Trưởng phòng Tổng hợp, văn phòng Tổng Cục Tài nguyên và Môi trường cho biết so với pháp luật về bảo vệ môi trường trước đây nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định thực chất hơn, trong đó có làm rõ các yếu tố nhạy cảm về môi trường.
Bên cạnh đó bổ sung hình thức tham vấn đăng tải trên cổng thông tin điện tử; Quy định cụ thể 7 trường hợp tham vấn đặc thù, trong đó tạo thuận lợi hơn cho chủ dự án (như không phải hội thảo, toạ đàm; giảm số lượng chuyên gia, nhà khoa học); Giảm đối tượng phải đánh giá tác động môi trường đối với trường hợp cơ sở đang hoạt động (thay đổi công nghệ; bổ sung ngành nghề K-CCN).
Báo cáo chuyên đề Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường Ths.Nguyễn An Thủy, Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra – Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có nhiều điểm mới về mức xử phạt, biện pháp xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo đó tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi cố tình xả trộm, xả lén, xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường như: xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, không xây lắp công trình bảo vệ môi trường... đến mức tối đa (01 tỷ đồng đối với cá nhân; 02 tỷ đồng đối với tổ chức). Giảm mức phạt đối với các nhóm hành vi xảy ra nơi công cộng để phù hợp với thẩm quyền xử phạt của nhiều lực lượng tại địa phương như: chiến sỹ công an (phạt tối đa 500.000 đồng) hoặc trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an (phạt tối đa 2,5 triệu đồng). Hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định (mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng) và hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (mức phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng) có thể áp dụng phạt tại chỗ không cần lập biên bản. Như vậy dù mức phạt giảm một số nội dung dù có giảm nhưng hiệu quả và tính khả thi sẽ cao hơn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về nhiều vướng mắc như: quy định phân loại rác; đơn giá thu gom, phương tiện vận chuyển;xử lý vi phạm về mùi hôi, tiếng ồn; việc di dời doanh nghiệp ra ngoài khu dân cư; căn cứ và mức phạt các hành vi vi phạm...
Về vấn đề phân loại rác thải rắn tại nguồn, trước kiến nghị của TP.HCM về việc phân loại chất thải rắn theo 2 loại, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Môi Trường, Bộ Tài Nguyên & Môi Trường cho biết, hiện nay trong Luật Bảo vệ môi trường đã giao trách nhiệm cho các địa phương tùy vào thực tiễn ban hành quy định cụ thể, tổ chức triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn, thời hạn đến 31/12/2024. Khi địa phương đã có quy định, người dân vi phạm mới bị xử phạt. Mỗi địa phương có những điều kiện thực tế khác nhau, nên cần sự linh hoạt trong triển khai theo nguyên tắc chung. Những khó khăn, vướng mắc và lúng túng khi triển khai của các địa phương sẽ được Tổng cục Môi trường ghi nhận và giải đáp.