Với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, trước đó Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ. Chương trình này đã giúp cho doanh nghiệp và người dân sớm vượt qua khó khăn. Tính đến ngày 22/6/2022, cả nước có 25.660 người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà từ gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11. Chính sách này cũng đã tạo thêm động lực giúp người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.
Đáng chú ý, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý 2 năm 2022 giảm mạnh so với quý trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt hơn 50 triệu người, tăng 417.000 người so với cùng kỳ năm trước…
Xung quanh các chính sách hỗ trợ người lao động để phục hồi và phát triển bền vững thị trường này, phóng viên VOH đã phỏng vấn Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
*VOH: Lao động là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Hiện nay, Chính phủ đã có những giải pháp nào để phục hồi thị trường này, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động, thưa ông?
- Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi: Chúng ta sử dụng, kết nối cung cầu lao động và xác định nhu cầu thị trường lao động trong tương lai để giải quyết vấn đề lao động, tránh thất nghiệp và cũng phải thực hiện các biện pháp là doanh nghiệp phải đào tạo, đào tạo lại. Trong quỹ bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta, có một phần quỹ đào tạo lại trong doanh nghiệp để đi trước và khắc phục sự biến động về kinh tế, chuyển đổi nghề nghiệp, dịch bệnh tác động để chuyển từ ngành này sang ngành khác thì phải có đào tạo để giữ chân được người lao động tại doanh nghiệp, không phải di chuyển, không mất việc làm mà vẫn có thu nhập.
*VOH: Mục tiêu về lao động - việc làm trong năm 2022 được Chính phủ đặt ra như thế nào?
- Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi: Chúng ta đang hướng tới mục tiêu là thu nhập đủ sống, đảm bảo tái sản xuất, do đó những cơ chế chính sách vĩ mô của nhà nước, không chỉ đào tạo nâng cao tay nghề, vấn đề tài chính, cơ chế về thuế, hỗ trợ cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Và tôi vẫn có điều rất quan trọng đối với khu vực doanh nghiệp, khu vực sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp, khu chế xuất, đó là vấn đề nhà ở. Người ta nói là có an cư mới có lạc nghiệp, và dịch vừa qua cho thấy, người lao động phi chính thức bị tác động nhiều nhất nhưng mà được quan tâm. Điều đó thể hiện rõ ràng thị trường phi chính thức rất cần tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
*VOH: Bên cạnh nhà ở thì vấn đề tiền lương là rất quan trọng đối với người lao động. Như vậy theo ông, mức lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với mức sống ngày càng cao của người lao động hiện nay?
- Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi: Theo nghị định của Bộ Luật Lao động, thì tiền lương tối thiểu vùng được Hội đồng Tiền lương Quốc gia tư vấn và ban hành vào ngày 1/1/2023 để doanh nghiệp chủ động điều chỉnh tiền lương làm sao đáp ứng yêu cầu là tiền lương tối thiểu vùng phải đảm bảo yêu cầu sống tối thiểu của người lao động. Và quan trọng là nó phải phụ thuộc vào việc tăng năng suất lao động, phụ thuộc vào mức độ trượt giá, phụ thuộc vào mối quan hệ cung cầu lao động thị trường.
Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp để thống nhất là nâng điều chỉnh 6% và kéo dài từ ngày 1/7 đến hết năm 2023. Điều này không có tiền lệ, vì tiền lương tối thiểu vùng thường là việc công bố thực hiện từ ngày mùng 1 của tháng đầu tiên trong năm và chỉ kết thúc trong 12 tháng, nhưng do đại dịch Covid-19 mà 2, 3 năm nay chúng ta chưa điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, lần này chúng ta điều chỉnh. Đã thỏa thuận rồi thì sớm có nghị định điều chỉnh từ ngày 1/7 và cố gắng kéo dài đến hết năm 2023 để tạo việc làm và phấn khởi cho người lao động yên tâm làm việc, tạo chiến lược cho doanh nghiệp chăm lo phát triển sản xuất.
*VOH: Vừa qua, Chính phủ có sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội, trong đó có việc giảm từ 25 năm xuống 15 năm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, ông đánh giá như thế nào về chính sách này?
- Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi: Đây là chính sách rất đúng đắn và đó là thực hiện theo tinh thần nghị quyết 28 của Trung ương, do đó, trong dự thảo, để sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 thì chúng ta thiết kế theo cách giảm từ 25 năm xuống còn 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Và trong nghị quyết 28 của Trung ương, thì chúng ta còn phấn đấu để một lúc nào đó chúng ta giảm xuống đến 10 năm đóng bảo hiểm xã hội vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội khi đến tuổi về hưu. Đây là chính sách rất linh hoạt, mục tiêu để người cao tuổi, người ít tham gia và tham gia lao động vây giờ quay trở lại thị trường lao động, họ bắt đầu vào thị trường lao động thì có đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng bảo hiểm xã hội từ 15 tuổi trở lên, đều phải tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, để khi hết tuổi lao động, người ta được hưởng lương hưu để đảm bảo đời sống.
Và không chỉ là lương hưu không, mà người lao động còn được cấp cái thẻ bảo hiểm y tế để khi về già, người ta không dựa vào nhà nước, ít dựa vào con cái, có nguồn thu nhập ổn định để đủ sống. Bảo hiểm xã hội là chia sẻ để bù đắp. Do đó, đưa thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống còn 15 năm là một chính sách rất nhân văn, linh hoạt và quan trọng cho mục tiêu thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân. Chứ chúng ta đừng nghĩ rằng, giảm đi thì sẽ mất cân bằng, mất cân đối. Tuy nhiên, chúng ta phải suy nghĩ là thời gian đóng ít đi thì nó sẽ liên quan đến tuổi thọ dài đi việc cân bằng có thể bị tác động. Do đó chúng ta thiết kế chính sách có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao đóng thấp hưởng thấp.
*VOH: Cảm ơn ông!