Giải quyết nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách như thế nào?

(VOH) - Bộ Tài chính đề xuất khoanh nợ (thay vì xóa nợ) với 7 nhóm đối tượng và chỉ xóa nợ tiền phạt, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực thi hành.

Sáng ngày 17/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Trình bày Báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua, cơ quan quản lý thuế đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hồi nợ đọng thuế, theo đó số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2018 là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ. Cơ quan thuế quản lý là 37.572 tỷ đồng, Cơ quan Hải quan quản lý là 3.815 tỷ đồng.

thuế, khoanh nợ, quản lý thuế

Toàn cảnh phiên họp

Để giải quyết nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ của người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, để tạo cơ chế pháp lý để xử lý dứt điểm tiền thuế nợ, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không còn khả năng thu của các đối tượng đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, thực tế đã phá sản, giải thể nhưng chưa thực hiện các thủ tục phá sản, giải thể theo quy định pháp luật, người nộp thuế đã chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh; xử lý tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho những người nộp thuế có phát sinh nợ thuế, bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Nghị quyết này quy định về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành. Đối tượng áp dụng bao gồm: người nộp thuế có tiền thuế nợ thuộc đối tượng được xử lý tiền thuế nợ quy định tại Nghị quyết này; cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

thuế, khoanh nợ, quản lý thuế

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo. Ảnh: TTXVN

Dự thảo Nghị quyết quy định 04 nguyên tắc xử lý nợ bao gồm nguyên tắc đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và đảm bảo điều kiện quy định hồ sơ, quy trình, thủ tục; nguyên tắc ông khai, minh bạch việc xử lý tiền thuế nợ, đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, giám sát của người dân; tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế; các trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, nếu phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa.

Theo đó, có 2.635 người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với số tiền thuế nợ là 460 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 174 tỷ đồng; 24.113 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định với số tiền thuế nợ là 2.072 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 869 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 216 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền thuế nợ là 398 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 158 tỷ đồng.

Đáng chú ý, có 731.696 người nộp thuế (trong đó: 197.336 doanh nghiệp, 534.360 hộ gia đình và cá nhân) bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc không còn hoạt động nữa với số tiền thuế nợ là 23.889 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 9.360 tỷ đồng....

Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, quy định này là chế tài xử lý cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết quy định 04 nguyên tắc xử lý nợ bao gồm nguyên tắc đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và đảm bảo điều kiện quy định hồ sơ, quy trình, thủ tục; nguyên tắc ông khai, minh bạch việc xử lý tiền thuế nợ, đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, giám sát của người dân; tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế; các trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, nếu phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa.

Tuy nhiên, đối với các đối tượng trên (đã chết, mất tích hoặc tự giải thể, phá sản, thực tế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh) không còn khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian; tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đến cuối năm 2018 là 11.896 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.

Nghị quyết quy định Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế quyết định việc khoanh nợ. Đối với doanh nghiệp và tổ chức, Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xoá nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 05 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp dưới 05 tỷ đồng. Đối với cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trên cơ sở hồ sơ đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế.

Nghị quyết giao cơ quan quản lý thuế kiểm tra, xác định đối tượng nợ thuế và các khoản tiền thuế nợ, tiếp nhận và lập hồ sơ xử lý khoanh nợ, xóa nợ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xóa nợ theo quy định tại Nghị quyết này; thực hiện việc giám sát, kiểm tra xử lý nợ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tránh thất thoát ngân sách; công khai quyết định khoanh tiền thuế nợ, quyết định xóa nợ lên website ngành thuế hoặc Hải quan.

Thời gian Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 và thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất khoanh nợ (thay vì xóa nợ) với 7 nhóm đối tượng và chỉ xóa nợ tiền phạt, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực thi hành. Về thẩm quyền khoanh, xóa nợ thuế, dự thảo Nghị quyết quy định về thẩm quyền xóa nợ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Chủ tịch tỉnh, quyết định xóa nợ theo các mức tiền khác nhau.

Bình luận