Chờ...

Hà Nội khởi công dự án cải tạo hạ tầng phục vụ tiếp cận metro Nhổn – Ga Hà Nội

(VOH) – Sáng 7/10, Hà Nội cho khởi công Dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho tuyến đường sắt đô thị số 3, tuyến Metro Nhổn-Ga Hà Nội.

(VOH) – Sáng 7/10, Hà Nội cho khởi công Dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho tuyến đường sắt đô thị số 3, tuyến Metro Nhổn-Ga Hà Nội.

Tổng mức đầu tư cho dự án này là hơn 54 triệu USD (hơn 1.200 tỷ đồng), lấy từ nguồn vốn ngân sách thành phố và nguồn vốn ODA của Quỹ CTF (quỹ Môi trường) do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) quản lý. Thời hạn hoàn thành dự kiến vào năm 2025.

Việc cải tạo hạ tầng nằm trong danh mục 3 hợp phần thuộc dự án, với mục tiêu giúp hành khách dễ dàng tiếp cận nhà ga đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Hà Nội khởi công dự án cải tạo hạ tầng phục vụ tiếp cận metro Nhổn – Ga Hà Nội 1
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các hợp phần của dự án bao gồm xây dựng các điểm trung chuyển tại ga số 8 (Cầu Giấy) và ga số 9 (Ngọc Khánh); cải tạo vỉa hè, lòng đường, cây xanh, chiếu sáng, bãi đỗ phương tiện giao thông cá nhân, công trình dịch vụ và tiện ích; cải tạo đồng bộ hè, đường, tổ chức giao thông từ Nhổn đến Xuân Thủy (từ ga số 1 đến ga số 6).

Kế đến là các giải pháp giao thông công cộng, bao gồm thí điểm sử dụng loại xe buýt có lượng phát thải thấp và công nghệ mới (xe điện); sử dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên xe buýt và hệ thống thông tin kiểm soát vận hành; cải thiện trạm dừng xe buýt giữa các ga metro; đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ bảo dưỡng, hạ tầng dịch vụ, hệ thống trạm sạc (depot) tại khu vực Trạm trung chuyển đa phương thức, điểm đỗ xe công cộng và điểm đầu cuối xe buýt tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm.

Cuối cùng, dự án cũng yêu cầu nghiên cứu các chính sách và quy định khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng; hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; hạn chế phát thải.

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km ngầm. Dự kiến, sau khi vận hành, tuyến đường có tốc độ khai thác thương mại 35 km/h; 8 đoàn tàu cùng hoạt động; một đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm; một đoàn tàu cứu hộ.

Đến hết tháng 8, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 75%, trong đó đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%. Dự kiến đoạn trên cao sẽ hoạt động từ cuối năm 2022, toàn tuyến hoạt động vào năm 2027.