Chờ...

Hà Nội và TPHCM sẽ cùng đề xuất cơ chế đặc thù để phát triển đường sắt đô thị

VOH - Hà Nội, TPHCM đã và đang dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị, tuy nhiên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đây là nhận định của ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại Hội thảo phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM do UBND TP Hà Nội và UBND TPHCM tổ chức vào ngày 17/1.

Ông Thanh cho rằng, thực tế trên đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp, cơ chế chính sách mang tính đột phá để có thể triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị đạt 200km mỗi thành phố theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

cát linh hà đông
Theo các chuyên gia, thành công trong phát triển nhanh hệ thống đường sắt đô thị sẽ có tác động lớn giúp Việt Nam thu hút đầu tư có hàm lượng tri thức lớn và tăng năng suất lao động - Ảnh: Hành khách đi tàu Cát Linh-Hà Đông/HL.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng nhận định, Hà Nội và TPHCM có nhiều nét tương đồng trong kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và những thách thức gặp phải trong quá trình phát triển. Do đó, việc kết nối, hợp tác, cùng nhau phát triển hệ thống đường sắt đô thị là cần thiết.

Theo ông Cường, rút kinh nghiệm từ những dự án đã và đang thực hiện, trong thời gian tới hai thành phố sẽ sát cánh, đề xuất Trung ương cho phép được thực hiện các cơ chế đặc thù cho việc phát triển đường sắt đô thị nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Việc hoàn thành mục tiêu theo Kết luận 49 là hoàn toàn khả thi nếu có tư duy mới, thực sự đột phá, với một khung khổ pháp lý riêng cho Hà Nội và TPHCM - ông Cường cho biết.

Với cách làm hiện nay, trong khoảng 15-20 năm, nước ta mới làm được 1 tuyến đường sắt đô thị 12-15km. Như vậy, phải 100 năm nữa mục tiêu có 200km metro cho mỗi thành phố mới hoàn thành.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Huy Đông, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, nếu theo cách làm mới, mục tiêu này có thể hoàn thành trong khoảng 12 năm. Trong đó, về giải pháp kỹ thuật, việc xây dựng đường ngầm tunnel 200km chỉ cần trong 5-6 năm, chạy liên tục dưới lòng đất, không phụ thuộc giải phóng mặt bằng, chưa kể đơn hàng lớn giúp hạ giá thành 30-40% so với hiện nay.

Về giải pháp kinh tế, việc đấu giá quyền đầu tư xây dựng khu đô thị gắn với nhà ga tàu điện ngầm hài hòa lợi ích các bên, có thể tạo nguồn lực tốt.