Ngày 13/2 (mùng 4 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024), Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, cho biết giá cả thị trường dịp Tết tại các địa phương trong những ngày trước, trong Tết có tăng giảm đan xen, nhưng không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, thị trường cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát.
Tại Hà Nội, giá hàng hóa thiết yếu cơ bản tăng cao trong thời điểm trước Tết theo quy luật do nhu cầu mua sắm của người dân tại đây tập trung vào các ngày 28, 29 Tết.
Mùng 1 và mùng 2, lượng mua sắm không nhiều. Đến mùng 3, mùng 4, hoạt động mua sắm dần trở lại bình thường khi hầu hết các hệ thống siêu thị trở lại hoạt động bình thường.
Chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K tại các quận nội thành Hà Nội hoạt động xuyên Tết nên luôn đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô trong dịp nghỉ Tết Nguyên Đán.
Giá cả khảo sát tại các chợ ở Hà Nội ổn định so với thời điểm trước Tết; nhu cầu tập trung ở một số mặt hàng tươi sống như rau xanh, thủy hải sản, thịt… và một số mặt hàng hoa tươi phục vụ người dân cúng lễ ngày mùng 3 Tết hay đi lễ chùa đầu năm.
Tại TPHCM, các chợ đã bắt đầu bán hàng trở lại, nhu cầu mua sắm tập trung vào các mặt hàng rau, củ, quả, trái cây, hoa tươi, thực phẩm tươi sống. Tại các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ khoảng 25-45% so ngày thường. Giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm bắt đầu giảm bằng mức với giá ngày thường.
Theo Cục Quản lý giá, do quý 1 trùng thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán nên mặt bằng giá sau Tết vẫn chịu áp lực, thường có biến động tăng theo quy luật trước và sau Tết.
Tại một số tỉnh, thành phố lớn, nhiều siêu thị cửa hàng mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu.
Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân nên giá cả dự kiến không có nhiều biến động.
Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp.
Chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu; mặt hàng thực phẩm tươi sống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải…, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.