Chờ...

"Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em"

VOH - Đây là chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 nhằm vận động xã hội thực hiện phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em".

Sáng 1/6, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2024 tại Thừa Thiên Huế.

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, trên cả nước vẫn còn hàng triệu em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cần trợ giúp, bị ảnh hưởng của những nội dung độc hại trên môi trường mạng....

Đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, mỗi người chúng ta phải hành động quyết liệt hơn nữa, ưu tiên cao hơn nữa, dành sự yêu thương, quan tâm và nguồn lực lớn hơn nữa cho trẻ em.

Tran Hong Ha Thanh 6 2024
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, sáng 1/6 tại tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: VGP

Tại lễ phát động, trước sự chứng kiến của đại diện thiếu niên, nhi đồng, Phó Thủ tướng đề nghị, thứ nhất, các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương phải quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với sự phát triển của trẻ em gắn với phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thứ hai là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em. Kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên ở cộng đồng dân cư. Nghiên cứu xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển trẻ em mang tính tổng thể, toàn diện.

Thứ ba là bảo đảm nguồn lực Nhà nước, huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân trong thực hiện các chính sách về dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí, văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; phát triển hệ thống phúc lợi, dịch vụ xã hội cho trẻ em theo hướng đa tầng, chất lượng cao hơn.

Thứ tư là xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện để trẻ em phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ. Bảo đảm cho trẻ em được thụ hưởng lợi ích tốt nhất, không bị phân biệt đối xử, được bày tỏ ý kiến và được lắng nghe.

Thứ năm chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ trẻ em trước thông tin xấu, độc không phù hợp với lứa tuổi trên không gian mạng và xã hội; không để trẻ em làm công việc ảnh hưởng đến học tập, sức khoẻ, phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần; phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em.

Phát triển các sản phẩm văn hoá, văn học-nghệ thuật, giáo dục lành mạnh, phù hợp, có chất lượng dành cho trẻ em.

Thứ sáu bảo đảm quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được tham gia vào các vấn đề có liên quan trong gia đình, nhà trường, tổ chức của trẻ em; tổ chức cho trẻ em có nhiều điều kiện để có nhiều diễn đàn sinh động hơn nữa.

Tăng cường hợp tác, tham gia, phát huy vai trò thành viên tích cực trong thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc, các phong trào toàn cầu, khu vực về thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em.