Hậu Covid-19 - Chung tay xoa dịu những nỗi đau (Kỳ 2)

(VOH) - Người mất thì đã đi rồi, nhưng người sống, sẽ đối diện với những khoảng trống và những bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời mình.

Như chúng tôi đã chia sẻ trong kỳ 1 của loạt bài "Hậu Covid-19, chung tay xoa dịu những nỗi đau" của nhóm phóng viên công tác xã hội – Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều gia đình bỗng dưng mất mát, những em nhỏ thành trẻ mồ côi.

Người mất thì đã đi rồi, nhưng người sống, sẽ đối diện với những khoảng trống và những bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời mình.

Ngay lúc này họ rất cần những sự hỗ trợ, không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần để có thể vực dậy, xoay sở cho cuộc sống tương lai.

 CHUNG TAY XOA DỊU NHỮNG NỖI ĐAU

Stress, sang chấn tâm lý, hoảng loạn là trạng thái chung của những gia đình không may nhiễm bệnh và có người thân qua đời. Và chính họ, giây phút đó, họ cũng cần những chỗ dựa, đó là người thân, bạn bè, hàng xóm, láng giềng, chính quyền đoàn thể, các doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng chung tay vào cuộc vá lành những vết thương do đại dịch Covid-19 gây ra. Chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt – Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM cũng không nằm ngoài dòng chảy này với số tiền vận động gần 300 triệu đồng.

Sát Cùng cùng gia đình Việt

Chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt – Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM chung tay xoa dịu những nỗi đau do Covid-19. 

Chị Nguyễn Thị Thảo đang mang thai con thứ 3 ở tháng thứ 8, sau khi chồng mất vì Covid-19 chị quá hoảng loạn nên nguyện vọng được về quê một cách nhanh nhất vì ở lại đây không có người thân, chưa biết những ngày tháng sắp tới của 3 mẹ con sẽ ra sao khi người ta không cho ở nhờ nữa. "Giờ vẫn đang hoang mang lắm, không biết phải như thế nào cả, bây giờ 2 con nhỏ mang thai gần sinh, chỉ mong muốn sinh bé xong rồi về quê ở. Địa phương thì em nhận được hỗ trợ 1,2 triệu tiền mặt và quà, chưa biết tính thế nào chỉ muốn về quê", chị Thảo nói.

Lắng nghe nguyện vọng của chị Thảo, hội phụ nữ phường đã ghi nhận và đưa chị vào danh sách sẽ quan tâm hỗ trợ trong quá trình vượt cạn.

Còn anh Huỳnh Tấn Hiếu thì chia sẻ: "Vợ em không qua khỏi. Mặt trận Tổ quốc phường, ban ngành đoàn thể, cán bộ công nhân viên chức, mạnh thường quân trường của bé cũng vận động ủng hộ cho gia đình".

Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của những người ở lại, họ là ông, bà, cha, mẹ và luôn tự dặn lòng mình phải cố gắng nén nỗi đau vươn lên vì người thân đang ở cạnh mình, mình phải trở thành chỗ dựa cho họ, sống tiếp phần đời còn dang dở của người ra đi, nuôi dạy con, cháu thành tài. Anh Nguyễn Văn Lượng cho biết, những giây phút cuối, vợ anh đã căn dặn rằng, nhà vẫn còn út Ngân, hãy ráng cố gắng làm lụng nuôi con khôn lớn. "Trước khi mất vợ trối, mình ráng lo cho út Ngân học. Tôi cố gắng lo cho con, tới đâu hay tới đó. Từ lúc bị Covid-19 tới giờ không có làm, cũng may còn có địa phương ủng hộ gạo, rau để sống. Dịch bớt thì tôi cũng cố gắng đi làm", anh Lượng kể.

Cầm 2 triệu đồng từ chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt ủng hộ, chị Cao Thị Thuận rất ngạc nhiên, bởi từ trước đến giờ, dù chồng bị suy thận nhiều năm, hai vợ chồng cùng nhau vay mượn chạy chữa nhưng chị cũng chưa từng đi xin hỗ trợ. Vậy mà bây giờ lại nhận được ủng hộ từ những người không quen biết. "Qua đây em cũng mong nếu như các anh, chị, cô, bác có thể giúp cho em lo cho các con ăn học thì em rất cám ơn. Hàng xóm xung quanh cũng giúp đỡ. Thật sự em không nghĩ là có những người tốt như vậy đâu", chị Thuận gửi gắm. 

Chị Trần Thị Mai Hương động viên: "Mọi chuyện xảy ra rồi, không riêng gia đình em mà ở trên toàn thế giới, rất nhiều người đã ra đi như vậy, mọi người hãy cẩn thận và tiếp tục cố gắng thực hiện 5K an toàn cho gia đình mình. Gia đình nào xảy ra giống gia đình em, thì hãy cố gắng đứng lên mạnh mẽ làm điểm tựa cho các con".

Theo các chuyên gia, trẻ em chính là đối tượng chịu nhiều thương tổn nhất trong đại dịch, những sang chấn tâm lý vì mất người thân sẽ theo các em trong một thời gian rất dài. Do đó nghị lực nội tại của mỗi em cũng rất quan trọng, bên cạnh sự ủng hộ, khích lệ của những người thân.

Em Nguyễn Thái Thọ nói: "Con cũng nghĩ là tại sao mẹ con lại mất được, con buồn, mẹ khỏe mà, phải sống thêm chứ. Con sợ khóc nhiều quá bị bệnh trở lại. Nói chuyện với bạn con, bạn cũng an ủi, cũng có nhiều người hỏi thăm. Trong đầu con nghĩ tự tin chuyện gì thì cũng sẽ qua thôi. Con thật sự rất xúc động, mong mọi người cũng hỗ trợ cho những người giống như gia đình con."

Trong suốt thời gian vừa qua, những cán bộ Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc chính là lực lượng thường xuyên đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng địa chỉ và ghi nhận những thông tin nhằm tham mưu những chính sách phù hợp. Bà Nguyễn Hạnh Thảo, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ TP Thủ Đức cho biết: "Công tác chăm lo cũng được thể hiện dưới nhiều hình thức, khẩn cấp, dài hạn. Với những trường hợp khẩn cấp thì chúng tôi vận động mạnh thường quân kinh phí hoặc gói an sinh, lâu dài thì cũng phối hợp với các đơn vị lớn, thực hiện khảo sát để phát học bổng hoặc sinh hoạt phí cho các em."

Về những giải pháp hỗ trợ tâm lý cho các gia đình, các em trong thời gian dài, chuyên viên tâm lý, Lý Thị Mai nói: "Chúng ta không cô đơn vì cả nước đồng lòng, mỗi đơn vị mỗi cơ quan sẽ có cách hỗ trợ nâng đỡ các cháu. Gần đây có nhiều trường cũng lập nên nhiều trung tâm hỗ trợ mọi người. Chúng ta cần có đội ngũ có tấm lòng có thể tham gia vào lực lượng này. Lực lượng nhân viên công tác xã hội và chuyên gia tâm lý, các anh chị em làm công việc tình nguyện viên và đặc biệt là các thầy cô giáo đồng hành giúp cho các cháu vượt qua khó khăn. Tạo mọi điều kiện tiếp cận với trẻ tự nhiên. Khi tiếp xúc với trẻ không nên có những cử chỉ khác thường mà hãy để lại môt khoảng cách ấm áp, sẵn sàng nghe trẻ, đồng hành với trẻ."  

Sát cánh
Trẻ em chính là đối tượng chịu nhiều thương tổn nhất trong đại dịch. 

Những gì mà mỗi nạn nhân chứng kiến trong thời gian vừa qua đủ đau thương cho cả một đời người, nhưng thật sự họ không cô đơn khi luôn có sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội. Công văn hướng dẫn mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các tỉnh và thành phố ưu tiên chăm sóc thay thế dựa vào gia đình và cộng đồng cho trẻ em mồ côi do Covid-19.

Đây được xem là một quyết định kịp thời nhằm đảm bảo rằng trẻ em sẽ được sự chăm sóc tốt nhất từ những người thân thay vì các cơ sở bảo trợ xã hội tập trung. Sự lắng nghe nguyện vọng của trẻ vào lúc này có thể giúp các em phát triển và thể hiện hết tiềm năng của mình trong tương lai.