Hậu Covid-19 - Chung tay xoa dịu những nỗi đau (Kỳ 1)

(VOH) - Đã 4 tháng qua, TPHCM căng mình chống dịch, thời điểm để trở lại với cuộc sống “bình thường mới” đã đến.

Thế nhưng dịch Covid-19 cũng để lại sự trống trải và nỗi đau trong nhiều ngôi nhà, nhất là đối với trẻ em, mầm non tương lai của đất nước.

Đã có những chính sách được quyết, các ngành, các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức cùng vào cuộc, nhưng những sang chấn tâm lý chắc cũng còn lâu mới phai mờ. Đến từng căn nhà, sâu trong những con hẻm nhỏ, nhóm phóng viên công tác xã hội của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM ghi nhận loạt bài Hậu covid 19 – chung tay xoa dịu những nỗi đau.

GIÂY PHÚT SINH TỬ

Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý khi đến gặp những nhân vật trong câu chuyện nhưng chúng tôi vẫn không thể kìm nén sự xúc động khi nghe về những giây phút cuối cùng của những bệnh nhân mắc Covid-19. Cái chết đến với họ nhanh đến bất ngờ, mới vừa nói chuyện với người nhà xong, chỉ ít phút sau bỗng vụt xa mãi mãi. Người ra đi cũng không kịp tin rằng mình không còn cơ hội gặp lại người thân, để lại một khoảng trống thăm thẳm trong lòng người ở lại.

Trong căn nhà trọ cũ kỹ nằm sâu trong một con hẻm ở đường Bùi Thị Rành, TP Thủ Đức, hai người con của anh Bùi Văn Oánh nấu một tô mì tôm rồi chia nhau ăn, mấy ngày nay, thực phẩm trong nhà đã cạn. Bàn thờ của vợ anh, chị Trịnh Thị Mỹ Hạnh, được đặt trên nóc tủ lạnh, nơi cao và trang trọng nhất trong nhà. Con gái của anh, sau khi mẹ mất, điều trị gần 1 tháng ở bệnh viện dã chiến thì quyết định tham gia đội hỗ trợ tình nguyện. Đến bây giờ anh Oánh cũng không tin được rằng vợ mình đã ra đi, hôm ấy 4 giờ sáng, chị còn nấu cháo ăn và nhắn tin cho anh, em khỏe, rồi em sẽ trở về.

"Vào khoảng 10 giờ tối, gọi cho bà xã, bà xã nói khỏe, hơi tức ngực, 4 giờ còn dậy nấu cháo ăn, nằm nghỉ rồi mất. Tôi buồn lắm. Vô khu cách ly có 5-6 ngày thì vợ mất, con gái cũng khóc nhiều rồi bệnh nặng luôn" - anh Bùi Văn Oánh kể. 

Hậu Covid 19 chung tay xoa dịu những nỗi đau: Giây phút sinh tử (kỳ 1) 1
Ảnh minh hoạ. 

Chị Trần Thị Linh Chi đã đau khổ tột cùng khi trong một thời gian rất ngắn phải chịu quá nhiều sự mất mát, 8 tháng trước ba ruột qua đời, rồi mẹ chị cũng mất vì Covid-19, 10 ngày sau tang sự, 2 vợ chồng vừa dắt díu nhau về nhà thì anh lăn ra sàn ôm ngực khó thở, nón bảo hiểm còn nguyên trên đầu. Chị hoảng loạn hô hấp, ép tim cho anh trong vô vọng, còn bé Ngân chỉ biết ngồi đó nhìn, đôi mắt thẫn thờ. Bác sĩ nói chồng chị bị đột quỵ, chị ngơ ngác với câu hỏi, tại sao lại vào lúc này?   

"Khi đó em vừa đưa ảnh về tới nhà. Em tháo nón bảo hiểm ra, nhà mình có mầm bệnh đâu có ai vô phụ giúp, mình cũng không biết sao. Sau đó, ảnh tỉnh được chút xíu, rồi ảnh nằm dài ở đây luôn. Em chỉ còn biết nói nhà mình tan nát hết rồi, đừng làm cho em sợ nữa xong rồi là ảnh đi luôn", chị Chi kể lại lần cuối cùng hai vợ chồng nói chuyện.

Trước khi rời nhà trọ đến khu cách ly tập trung, anh Nguyễn Văn Lượng, 52 tuổi, còn hy vọng rằng, vợ con mình đều âm tính, mỗi ngày anh chị đều gọi điện thoại cho nhau, chia sẻ về sức khỏe của anh. Anh nhớ lại: "Trước khi đi vợ còn khỏe lắm, không nghĩ gì đâu, tới chừng đi mấy ngày vợ điện thoại nói rằng em bị sốt tiêu chảy."

Trong số những nạn nhân Covid-19, có khá nhiều sản phụ đang mang thai ở những tháng cuối, khi nhận tin mắc Covid-19, họ vẫn tin rằng mình vì con mà có thể cố gắng được, nhưng bác sĩ và gia đình cũng phải đứng trước một sự lựa chọn sinh tử, mổ bắt con để cứu mẹ.

"Bác sĩ mổ bắt bé cứu lấy mẹ, mổ được 2 ngày thì mẹ bé không qua khỏi. Em rất buồn, giống như mình mất một nửa cơ thể vậy đó, trong lúc đó thì cũng cố gắng nén đi niềm đau, vì em đang bị cách ly, những người anh chung phòng thì cũng vận động phải sống lạc quan, nếu như bây giờ khóc buồn thì virus này dễ xâm nhập lắm, giờ thì em đã trở về với gia đình, với con em", chồng của một sản phụ tử vong do Covid-19 tâm sự. 

Nguyễn Đức Bảo, cậu học trò lớp 11 trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức chưa bao giờ tưởng tượng được rằng, bữa cơm đầm ấm của gia đình em bây giờ chỉ còn lại 2 anh em. Người anh trai bị bệnh down từ nhỏ, ba mẹ của 2 em đều là giáo viên về hưu, cuộc sống tằn tiện nhưng khá hạnh phúc, Bảo vốn được ba mẹ kỳ vọng nên trong suốt mười mấy năm qua, nhiệm vụ của em chỉ là học, việc chăm sóc anh trai phần nhiều phụ thuộc vào mẹ. Khi ba mất rồi 2 tuần sau mẹ cũng ra đi, Bảo gần như chỉ nằm khóc, anh trai của em cũng dương tính với Covid-19 thì ngơ ngác đi tìm, em nấu món gì anh cũng không ăn. Bảo hoảng sợ thật sự, hai anh em như hai con chim non bị rơi khỏi tổ, những ngày tháng phía trước của mình sẽ thế nào, làm sao hoàn thành việc học, rồi nuôi được anh trai?

"2 anh em sốc, thật sự quá nhanh, chỉ có 2 tuần thôi mà mất hết tất cả, lúc đó em cũng không biết làm gì, chỉ biết khóc, nhìn anh không biết làm sao, thương lắm. Sau dịch thì con cố gắng đi làm gia sư gì đó, để chăm cho anh. Giờ con phải tự lo tài chính kinh tế, rất khó khăn"  - Bảo nghẹn ngào.

Trong căn nhà cũ kỹ và chật hẹp ở quận 8, cậu bé Nguyễn Thành Đạt thẩn thờ ngồi nhìn lên di ảnh của mẹ. Gần 2 tháng trôi qua kể từ ngày mẹ mất, nỗi đau trong lòng cậu bé vẫn chưa thể nguôi ngoai dù có bà ngoại và cậu ở bên chăm sóc. Đạt không có cha, từ nhỏ gắn bó và luôn được mẹ chăm sóc, yêu thương nên giờ mẹ không còn nữa, sự hụt hẫng trong lòng cậu bé là rất lớn. Hễ ai hỏi chuyện của mẹ thì Đạt lại khóc. Đến thời điểm này, cậu bé lớp 5 ấy vẫn không thể tin là mẹ của mình không còn nữa. Đạt kể trong nước mắt rằng, con cứ nghĩ mẹ đi bệnh viện rồi về. Thế mà buổi tối ngày hôm ấy, khi Đạt đang được gửi ở nhờ nhà họ hàng thì hay tin mẹ mất rồi.

Đạt kể: "Lúc đó ngoại con vô bệnh viện với mẹ, mẹ gởi con ở nhà dì, xong rồi con gọi điện thoại hỏi thăm mẹ. Ngoại nói là mẹ mất. Con nhớ mẹ lắm."

Không chỉ cậu bé Nguyễn Thành Đạt mà theo thống kê trong đại dịch Covid-19, TPHCM có hơn 1.500 em mồ côi, cha, mẹ hoặc người thân trực tiếp nuôi dưỡng. Sự ra đi bất ngờ để lại một khoảng trống rất lớn trong tâm hồn các em mà rất khó có thể chữa lành. Những câu nói của cha, mẹ tưởng rằng chỉ răn dạy khi con cái không nghe lời, nhưng một ngày nọ, lại là nỗi ám ảnh không thể nguôi ngoai.

Em Huỳnh Nguyễn Tường Lam ở huyện Bình Chánh kể lại: "Chiều hôm đó cha nóng quá, cha nói Linh ơi tui mệt quá, bà cho tui thuốc uống đi. Cha kêu dẫn đi khám, đi lên bệnh viện, cha buồn, suy sụp. Cha mất, con buồn lắm, hồi đó con cứ nói cha kỳ cục quá, cứ mắng quá, cứ nói tui lên núi tui bán nhang, không ngờ cha đi thiệt."

Dịch bệnh là thiên tai ngoài ý muốn, nhưng những mất mát đau thương mà nó để lại cho những gia đình không may có người thân thiệt mạng là rất lớn, cả về vật chất lẫn tinh thần. Sang chấn tâm lý không chỉ là con trẻ mà còn là người lớn dù cố gắng gượng nhưng nỗi hoảng loạn sẽ còn lâu mới có thể nguôi ngoai. Và ngay bây giờ rất cần sự chung tay vào cuộc của các ngành, các cấp để cùng xoa dịu nỗi đau hậu Covid-19.

(Còn tiếp)

Bình luận