Theo báo cáo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, TPHCM định hướng phát triển đô thị theo mô hình đa trung tâm.
Ba đô thị hình thành trước năm 2030 là đô thị Nam thành phố, phía Tây, phía Bắc và hai đô thị hình thành sau năm 2030 là Củ Chi, Cần Giờ.
TPHCM mở rộng hệ thống giao thông có tính chất liên kết vùng. Trong đó, dự kiến đề xuất một mạng lưới đường sắt đô thị mang tính chất tổng thể, dài hạn cho tầm nhìn đến năm 2060 với tổng chiều dài khoảng 520km.
Và đề xuất bổ sung ba tuyến tàu điện hoặc xe buýt nhanh (LRT/BRT) nối Củ Chi, tuyến nối Cần Giờ và tuyến vòng cung Tây Bắc.
TPHCM sẽ tiến tới hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm, thu phí xe vào giờ cao điểm.
Đề xuất phát triển đô thị theo định hướng phức hợp
TPHCM định hướng phát triển đô thị sinh thái tại khu vực huyện Cần Giờ, phát triển công viên sinh thái Bình Quới - Thanh Đa...
Nghiên cứu quy hoạch một số khu vực phù hợp với loại hình thương mại tự do; nghiên cứu về hồ điều tiết, hệ thống kênh, rạch, sông nhân tạo.
Không gian dọc sông Sài Gòn là động lực mới, điểm nhấn cho quy hoạch lần này, không đặt nặng hoạt động kinh tế mà tạo thêm một không gian phát triển.
Tại kỳ họp này, HĐND TPHCM thông qua nhiều nghị quyết quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội. Trong đó, thống nhất đầu tư 350 tỉ đồng từ ngân sách TPHCM để tăng cường năng lực khai thác, đảm bảo an toàn giao thông.
Thành phố sẽ cải tạo, nâng cấp một đoạn quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) và một đoạn đường tỉnh lộ 15 (huyện Củ Chi). Xây hai cầu bộ hành trên quốc lộ 1K (Thủ Đức) và trên tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi).
Lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại 76 giao lộ trên địa bàn TPHCM cũng được triển khai nhằm đảm bảo an toàn giao thông...
Thống nhất miễn lệ phí cho năm dịch vụ công trực tuyến gồm lệ phí hộ tịch; Lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
Lệ phí đăng ký kinh doanh; lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất; lệ phí cấp giấy phép xây dựng... và nhiều quyết sách khác.