Tại buổi tiếp, hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua, trong đó quan hệ kinh tế-thương mại là trụ cột, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ.
Về thương mại, kim ngạch song phương năm 2022 đạt hơn 123 tỷ USD, Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam.
Trên tinh thần chân thành, tin cậy, cởi mở, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, trong đó có tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, chuỗi cung ứng…
Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục duy trì cơ chế giải quyết các vấn đề liên quan qua đối thoại, trao đổi chặt chẽ giữa hai cơ quan đối với các vấn đề phát sinh thời gian tới, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị thúc đẩy hợp tác trong ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện Tuyên bố Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng, hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, thành lập thị trường carbon.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam; có kế hoạch tăng cường hợp tác với Việt Nam về chuỗi cung ứng trên cơ sở đối tác toàn diện, tin cậy; hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn và năng lượng tái tạo.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính Việt Nam trong hiện đại hóa chính sách tiền tệ, cơ chế tỷ giá và các vấn đề vĩ mô khác, hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế.
Thủ tướng nhất trí với đề nghị của phía Hoa Kỳ và cho biết, mở rộng chuỗi cung ứng, sản xuất chip, chất bán dẫn cũng là ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Việt Nam đang thúc đẩy xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi, hạ tầng kỹ thuật, quản trị hiện đại và đào tạo nhân lực trong những lĩnh vực này.