Sản xuất vi mạch, bán dẫn chưa phát triển dù được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất

(VOH) - Hiện nay các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vi mạch, bán dẫn được hưởng các ưu đãi cao nhất trong hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, thuê đất… của Chính phủ Việt Nam.

Tại Hội thảo “Giải pháp và cơ chế chính sách phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam” diễn ra sáng 21/10, ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vi mạch, bán dẫn hiện đã được hưởng các ưu đãi cao nhất trong hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, thuê đất, thuê mặt nước… của Chính phủ Việt Nam.

ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn là lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư nhưng chưa có giải pháp đặc biệt và kế hoạch đầu tư từ nhà nước để phát triển.

Việt Nam từng làm vi mạch sớm như Hàn Quốc, Đài Loan

Tại Việt Nam, kể từ khi nhà máy Z181 dừng việc sản xuất bán dẫn cho đến nay, Việt Nam chưa xuất hiện thêm nhà máy sản xuất bán dẫn, chỉ có nhà máy của Intel và một vài công ty FDI làm công đoạn máy lắp ráp, gia công, đóng gói.

Nói về chương trình này, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Lương Mô, chuyên gia đầu ngành, người có nhiều bằng sáng chế khoa học nước ngoài về ngành vi mạch bán dẫn bày tỏ tiếc nuối: “Chương trình Z181 là chương trình của Giáo sư Trần Đại Nghĩa - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về công nghiệp, tương đương với chức Bộ trưởng Bộ Khoa học, công nghệ ngày nay. Ông có gặp tôi đề nghị tôi ra hợp tác, tham gia vào chương trình Z181 của ông. Nhưng vì lý do cá nhân tôi không thể đi được. Tôi nghĩ rằng Việt Nam thời đó chưa có những ngành công nghiệp phụ trợ, cho nên khó lòng có thể thành công được”.

Giáo sư Tiến sĩ Đặng Lương Mô
Giáo sư Tiến sĩ Đặng Lương Mô trình bày Bán dẫn – Vi mạch, lịch sử phát triển linh kiện và công nghiệp.

Giáo sư Tiến sĩ Đặng Lương Mô nhận định, chương trình Z181 của Giáo sư Trần Đại Nghĩa rất sáng suốt. Thời điểm tháng 1/1975, Hàn Quốc cũng như Đài Loan, vẫn còn gia công lắp ráp. Cho nên có thể nói rằng. Việt Nam đã bắt đầu làm vi mạch, có thể ít nhất là tương đương sớm như Hàn Quốc và Đài Loan.

Đối với thiết kế vi mạch, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có các công ty VHT (Viettel) và FPT Semiconductor tham gia với khoảng 200 nhân viên. Còn lại khoảng 30 công ty nước ngoài đến từ Nhật, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam cùng với với đội ngũ nhân lực ước tính khoảng 5.000 kỹ sư, có thể đảm nhận công việc ở tất cả các mảng việc trong khâu thiết kế.

Trong đó, phân bổ nhân lực tập trung nhiều nhất tại TPHCM (85%), sau đó là Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%). Nhiều công ty lớn của thế giới về thiết kế mạch tích hợp (IC) đã mở chi nhánh ở Việt Nam để tận dụng các kỹ sư Việt Nam có trình độ chuyên môn tốt và chi phí lương thấp, như: Qorvo, Renesas, Mircrochip, Synopsys... tạo ra hàng ngàn kỹ sư thiết kế chip tại Việt Nam.

Cơ hội nào cho ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn phát triển?

Vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như AI, IoT, 5G, Big Data…

Tuy nhiên, Việt Nam đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài, bao gồm: Broadcom, Hitachi, Qualcomm, Samsung, SK Hylix… Các công ty trong nước chỉ có VHT và FPT tham gia với công đoạn thiết kế chip, các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp rắp, kiểm định.

Theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam vẫn nên tập trung đầu tư nhà máy sản xuất, tham khảo công nghệ đóng gói hệ thống SIP 2.5D. Có thể tập trung vào các dòng sản phẩm cụ thể, như chip quản lý nguồn mạch tích hợp (IC), chiếm giá trị cao, có ứng dụng, thị trường lớn, phù hợp với nguồn lực của Việt Nam.

vi mạch, bán dẫn
Trung tâm Thiết kế Vi mạch Khu Công nghệ cao TPHCM và ra mắt Phòng thiết kế vi mạch - cơ sở hạ tầng quan trọng đầu tiên của Trung tâm thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao TPHCM - Chip Design Center

Theo ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông: “Việt Nam sẽ có những ngách, có những hướng đi phù hợp để phát triển mà chúng ta cũng xem thị trường thế giới chính là thị trường của chúng ta. Về mặt chính sách, đến thời điểm hiện nay, hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, bán dẫn là đang được hưởng các ưu đãi cao nhất trong hệ thống ưu đãi đầu tư của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần một lộ trình bài bản, kế hoạch phù hợp để cả Nhà nước và khối tư nhân cùng làm”.

Và để đầu tư dài hạn, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về lĩnh vực vi mạch bán dẫn, cũng trong sáng nay, Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao đã khánh thành Trung tâm Thiết kế Vi mạch Khu Công nghệ cao TPHCM và ra mắt Phòng thiết kế vi mạch - cơ sở hạ tầng quan trọng đầu tiên của Trung tâm thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao TPHCM - Chip Design Center, triển khai các nội dung hợp tác đã ký kết với Công ty Synopsys, bao gồm: Cung cấp các li-xăng phần mềm thiết kế của Synopsys đến các trường, viện thông qua mạng riêng ảo; Tổ chức các khóa đào tạo Train-the-Trainers (ToT) về thiết kế vi mạch cho giảng viên các trường, viện, và; Tổ chức các khóa đào tạo cao cấp về thiết kế vi mạch.

Cách đây 20 năm, Khu công nghệ cao xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đã đề ra lộ trình hai bước thể hiện bước đi mang tính chất chiến lược.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao cho hay: “Bước một là tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài về công nghệ cao. Trong giai đoạn hai và trong giai đoạn tới, trọng tâm phát triển của khu công nghệ cao là phát triển năng lực nội sinh và tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính đột phá, có tác động lan tỏa lớn gắn với hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành tại Khu công nghệ cao; Tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu nếu có kế hoạch dài hạn phù hợp thu hút đầu tư, hợp tác, tham gia các công đoạn sản xuất từ thấp đến cao: đóng gói, kiểm tra, sản xuất… với các nước sản xuất chip, cơ hội tham gia chuỗi cung cấp nguyên liệu sản xuất chip từ việc hợp tác khai thác các nguồn nguyên vật liệu tiềm năng, ví dụ đất hiếm.

Việt Nam cũng có đội ngũ chuyên gia người Việt ở nước ngoài, gồm một số các nhà khoa học có tên tuổi như Giáo sư Đặng Lương Mô, Nguyễn Thị Bích Yến, Lê Duy Loan… Đây là các chuyên gia đầu ngành, có nhiều bằng sáng chế khoa học và chiếm vị trí rất cao trong các tập đoàn công nghệ vi mạch bán dẫn như Toshiba, Motorla, Texas Instruments…

Việt Nam có lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, trong khi đó, nhu cầu nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế chip là rất lớn và cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn được dự báo sẽ rất phát triển trong một thập kỷ tới đây.

Bình luận