Thiếu nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam

(VOH) - Đó là một trong những nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Bài toán phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn” do Khu Công nghệ cao TPHCM tổ chức ngày 2/4.

Tình trạng thiếu hụt nhân lực toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua với 54% công ty báo cáo tình trạng thiếu kỹ năng ở 36 trong số 44 quốc gia vào năm 2019. Tình trạng thiếu hụt nhân lực đang gia tăng trên khắp thế giới, với mức tăng lớn nhất qua từng năm ở Hoa Kỳ, Thụy Điển, Phần Lan, Hungary và Slovenia. Chỉ 18% quốc gia không báo cáo tình trạng thiếu nhân lực.

Các chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp lớn tham gia hội thảo “Bài toán phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn” tại Khu Công nghệ cao TPHCM vào ngày 2/4.
Các chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp lớn tham gia hội thảo “Bài toán phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn” tại Khu Công nghệ cao TPHCM vào ngày 2/4.

Từ kinh nghiệm của Khu Công nghệ cao Thành phố thu hút hàng chục nhà đầu tư lớn về ngành vi mạch bán dẫn như Intel, theo ông Dương Minh Tâm, Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, nguyên Phó Trưởng ban Khu Công nghệ cao Thành phố, tập đoàn này khởi đầu họ rất e ngại về nhân lực của các Trường Đại học tại Việt Nam không đáp ứng được việc để mở nhà máy vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, nhưng qua 5, 6 năm, họ rất kinh ngạc vì nhân lực của các trường đại học vào Intel và các công ty khác tái đào tạo nhân lực một thời gian cho ra những công ty rất giỏi. Cụ thể là phế phẩm của nhà máy Intel là thấp nhất thế giới, có những lúc bằng 0, trong khi những nhà máy của Intel trên thế giới phế phẩm từ khoảng 5%.

Từ đó, ông Dương Minh Tâm cho rằng, nguồn nhân lực của Việt Nam về ngành điện tử vi mạch là rất tốt, do đó Intel đã tiếp tục tăng cường đầu tư. Cụ thể năm nay, Intel đầu tư tiếp thêm 500 triệu đô la Mỹ và sản lượng của Intel năm nay có thể là 15 tỷ đô la Mỹ. Còn Samsung mở Trung tâm R&D tại Hà hội và Trung tâm R&D tại nhà máy Samsung tại khu công nghệ cao. Đó là những thành công. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không chuẩn bị nguồn nhân lực từ sớm thì sẽ khó theo kịp đà phát triển của ngành này.

Ông Nguyễn Duy Mạnh Thi - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Thiết kế Vi mạch Hàn Quốc – Việt Nam phân tích: “Nguyên nhân cốt lõi là việc đào tạo về ngành vi mạch, thiếu nhận thức về tầm quan trọng của ngành này. Ngành vi mạch là động lực để phát triển kinh tế của một quốc gia, là tiền đề để tạo ra sản phẩm, công nghệ mới. Khi ngành vi mạch phát triển, sẽ kéo theo công ăn việc làm ở tất cả các ngành khác. Hiện nay mình đang thiếu nhận thức về tầm quan trọng của ngành này”.

Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, một trong những dấu ấn của Khu Công nghệ cao TPHCM là sự hình thành trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch. Khoảng 10 năm sau, trung tâm này công bố thiết kế con chip cảm biến áp suất bằng công nghệ MEMS và hướng ứng dụng của sản phẩm. Chip cảm biến áp suất được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, công nghiệp và y tế... Tuy nhiên, ông Thi nhận định, TPHCM cần khoảng 10 ngàn kỹ sư cho ngành này. Hiện Khu công nghệ cao đang phối hợp với các trung tâm đào tạo, trong đó có Trung tâm đào tạo Việt - Hàn để cung ứng cho thị trường những kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn chất lượng, bài bản, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

“Để phát triển nguồn nhân lực này, chúng ta cần sự kết hợp của các bên liên quan để thực hiện” – ông Thi nhấn mạnh và nói thêm, riêng đại học thì đào tạo các kiến thức cơ bản, nhưng để đào tạo các kiến thức chuyên sâu đáp ứng cho nhu cầu doanh nghiệp, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Cần có những sáng kiến để các bên ngồi lại với nhau. Tiếp đến là phát triển nguồn nhân lực đón đầu sự phát triển của ngành công nghiệp và cần có sự tham gia của nhà nước. Nhà nước nên có những chương trình đào tạo gắn với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực.

Theo các chuyên gia, chương trình đào tạo nên có các khóa ngắn hạn của các chuyên gia, Việt kiều tâm huyết kể cả doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nhận thức lại ngành vi mạch bán dẫn đang phát triển đến đâu và làm thế nào để có thu nhập để duy trì hoạt động trước khi thành công...