Định hướng này được các nhà khoa học, các chuyên gia ủng hộ tại hội thảo "Thành phố Hồ Chí Minh - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế", diễn ra vào sáng ngày 30/3. Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Các đại biểu tham gia hội thảo đã chia sẻ về: Thực trạng kinh tế biển Việt Nam, kinh nghiệm phát triển đô thị biển trên thế giới, các xu thế phát triển đô thị biển, những vấn đề trọng tâm khi kết nối không gian vùng thành phố Hồ Chí Minh để phát triển kinh tế biển và đô thị quốc tế, giải pháp cho thành phố Hồ Chí Minh cất cánh, các chiến lược phát triển thành phố Hồ Chí Minh kết nối với các vùng lân cận, đổi mới cách tiếp cận với hệ sinh thái tự nhiên - xã hội để phát triển bền vững đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu, định hướng quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh với bối cảnh vùng và quốc tế.
Tại hội thảo, Phó giáo sư Lưu Thế Anh, chuyên gia cao cấp Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: “Chúng ta có thể từ bỏ nền kinh tế thu hút lao động nhiều nhưng lại là lao động thủ công, không qua đào tạo nghề, giá trị và năng suất lao động thấp. Chúng ta phải tập trung vào những nền kinh tế, những nền công nghiệp có giá trị gia tăng, công nghiệp hiện đại và ít phát thải ra các chất thải, bảo vệ môi trường”.
Các chuyên gia, các nhà khoa học cũng xác định rõ mô hình tăng trưởng của thành phố trên nền tảng “mô hình kinh tế biển giá trị gia tăng cao” và cho rằng, Thành phố đang sở hữu Khu dự trữ sinh quyển tốt nhất Đông Nam Á, có mặt tiền biển Vịnh Cần Giờ lớn 42.000 km2…
Đây là nguồn lực to lớn góp phần xác định vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Do đó, thành phố cần tập trung vào việc tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở sự phát triển hạ tầng kết nối biển, thể chế và sự tham gia nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, liên kết vùng hiệu quả.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Hội thảo đã xác định rõ vai trò và động lực của kinh tế biển trong phát triển toàn diện Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Thứ hai là đã gợi ý phát triển đối với chủ trương phát triển kinh tế biển và tăng cường phát huy thế mạnh liên kết vùng của Thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng tầm nhìn kinh tế biển, kết nối chuỗi đô thị quốc tế và cụ thể hóa trong các đề án nghiên cứu, định hướng chiến lược quy hoạch phát triển hạ tầng công nghiệp và hạ tầng dịch vụ, phát triển các đô thị vệ tinh, phục vụ công tác điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố sắp tới”.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Từ kết quả hội thảo này, thành phố sẽ chủ động nghiên cứu, tiếp thu, đưa vào những nội dung đồ án quy hoạch chung thành phố, để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Riêng dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ, đề nghị các sở ngành thành phố nghiên cứu những ý kiến hôm nay, để trong quá trình triển khai đầu tư bám vào đây để góp sức cho doanh nghiệp, hiến kế cho thành phố có những quyết sách nhanh mà đảm bảo cho quá trình phát triển đô thị biển và kinh tế biển”.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định rõ vai trò nhạc trưởng trong liên kết vùng với các tỉnh lân cận và là đầu mối giao thương quốc tế trong bối cảnh không gian vùng đang phát triển thành đa cực, đa trung tâm.
Và mô hình phát triển trong tương lai gần của thành phố sẽ kết nối vùng một cách quyết liệt để phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistic gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế tại vịnh Cần Giờ, tích tụ dân cư biển, đón nhận cơ hội phát triển từ kinh tế biển”.