Sau khi đánh giá nhu cầu khẩn cấp được thực hiện bởi Chính phủ Việt Nam cùng các cơ quan Liên Hợp Quốc, và dữ liệu được thu thập qua cơ chế phối hợp theo ngành, UNICEF đã xác định dịch vụ thiết yếu liên quan đến nước sạch, vệ sinh là những ưu tiên hàng đầu cho hỗ trợ khẩn cấp ban đầu.
Để giúp ứng phó các tác động do bão Yagi gây ra tại miền Bắc nước ta, Đại sứ quán Ireland đã công bố khoản tài trợ 250.000 euro để hỗ trợ UNICEF cung cấp nước sạch và vật tư vệ sinh nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ em và các gia đình dễ bị tổn thương.
Khoản đóng góp nhằm đảm bảo rằng các gia đình nhận được sự trợ giúp ngay lập tức với nước sạch và tiếp cận các điều kiện vệ sinh cơ bản. Các hỗ trợ bao gồm bể chứa nước, bộ lọc nước, xà phòng, nước rửa tay và viên lọc nước.
Đại sứ Ireland tại Việt Nam, bà Deirdre Ní Fhallúin, cho biết: “Ireland cam kết hỗ trợ Việt Nam trong thời điểm cần thiết này. Sự đóng góp 250.000 euro của chúng tôi phản ánh sự đoàn kết với nhân dân Việt Nam và cam kết giải quyết những nhu cầu cấp bách nhất của những người bị ảnh hưởng.”
Đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Silvia Danailov, đã ghi nhận sự đóng góp của Đại sứ quán Ireland, nói rằng trẻ em là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thảm họa xảy ra. “Trẻ em luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.”
Bà Danailove nói thêm, lũ lụt vừa qua đã làm gián đoạn nghiêm trọng việc tiếp cận nước sạch và vệ sinh. “Nhờ sự hỗ trợ của Ireland, UNICEF có thể tăng tốc ứng phó của mình, đảm bảo rằng các cộng đồng bị ảnh hưởng nhận được nước sạch, vật tư vệ sinh và dịch vụ vệ sinh mà họ đang rất cần.”
Theo UNICEF, lũ lụt và sạt lở đất do cơn bão Yagi gây ra đã tàn phá Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan, ảnh hưởng đến gần 6 triệu trẻ em và làm giảm khả năng tiếp cận nước sạch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và chỗ ở của các em.
Bà June Kunugi, Giám đốc UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhấn mạnh ưu tiên của UNICEF hiện tại là khôi phục các dịch vụ thiết yếu cho trẻ em và các gia đình, bao gồm nước sạch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
UNICEF đánh giá, sau bão Yagi, hơn 850 trường học và hơn 550 trung tâm y tế tại Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan, bị hư hại, phần lớn là ở Việt Nam. Tổ chức này vẫn đang tiếp tục thực hiện các đánh giá trong khu vực.
Tại Việt Nam, quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất, ước tính khoảng 3 triệu người, bao gồm nhiều trẻ em, thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh, làm gia tăng nguy cơ bệnh tật. Khoảng 2 triệu trẻ em cũng không được tiếp cận với giáo dục, hỗ trợ tâm lý xã hội và chương trình dinh dưỡng học đường.