Kéo dài giãn cách, người dân từng ngày mong ngóng được hỗ trợ

(VOH) - Đợt bùng phát dịch thứ tư kéo dài gần 4 tháng nay, khiến nhiều người lao động ở TPHCM đã khó lại càng thêm khó. Hàng trăm ngàn người đã 2 lần nhận được tiền từ các gói hỗ trợ.

Tiền cũng đã về đến từng con hẻm, xóm trọ. Nhưng cũng còn đó nhiều cảnh đời hết sức khó khăn bị "bỏ sót", và họ vẫn chưa một lần nhận gói hỗ trợ này.

Một trong những trường hợp đang rất vất vả để xoay sở cuộc sống hằng ngày, đó là bà Trần Thị Dung, 58 tuổi, ngụ số 730/15 Lê Đức Thọ, phường 15, quận Gò Vấp. Bà hiện đang phải chăm mẹ già 80 tuổi vừa mù vừa điếc, hoàn cảnh hết sức khó khăn, không có nhà, hai mẹ con phải đi ở nhờ, tiền thuốc thang mỗi ngày rất tốn kém, bà đã nhiều lần kêu cứu, nhưng chưa được hỗ trợ. “Tôi 58 tuổi mà tôi bị bệnh tim hơn 20 năm. Tôi còn nuôi mẹ già 80 tuổi, mẹ tôi còn bị mù và điếc. Thuốc thì vẫn phải uống hàng ngày, trong khi mấy tháng nay không có làm được việc gì hết. Tổ tôi ở Khu phố 2, ông tổ trưởng ông đã làm đơn rồi mà bây giờ không lãnh được đồng nào”

Hay trường hợp của bà Nguyễn Thị Huệ, ngụ số 822/139 Hương lộ 2, phường Bình trị Đông A, quận Bình Tân. Nhà có 7 người, chồng bà đã nghỉ hưu lại bệnh tật, bản thân bà thì đi làm giúp việc nhà. Con dâu đi bán quần áo ở chợ nay cũng đóng cửa, con trai thất nghiệp mấy tháng nay, nhà còn có 3 cháu nhỏ. Đã mấy tháng trôi qua, cả gia đình rất mong mỏi nhận được một khoản hỗ trợ của nhà nước: “Cũng làm đơn thất nghiệp gửi phường 2 tháng nay mà cũng chưa thấy gì hết. Hôm đó đưa giấy cho tổ trưởng và hỏi là đã nộp lên phường chưa? Tổ trưởng trả lời là đã nộp rồi. Nhưng không biết tại sao là đến mấy tháng nay cũng chưa được hỗ trợ gì hết. Nói chung bây giờ có gì ăn đó thôi, chật vật lắm, đi làm giúp việc thì người ta cũng không mượn nữa nên khó khăn lắm. Bây giờ các cháu vào năm học rồi mà tiền mua sách vở cũng không có. Còn tổ trưởng thì gọi không bao giờ bắt máy”.

Còn anh Võ Nam Hà, quê Quảng Bình, ngụ khu phố 6, đường số 5, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, là công nhân may, do ảnh hưởng dịch bệnh, 6 công nhân thuê chung nhà trọ để giảm chi phí, và cùng thất nghiệp 4 tháng nay. Số tiền tích cóp cũng hết. Mọi người chỉ ăn mì gói sống qua ngày. Đã nhiều lần đăng ký xin hỗ trợ thất nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa được nhận, cả mấy anh em thiếu ăn thiếu mặc, tiền nhà, tiền điện cũng chưa trả. Tiền mua đồ ăn cũng hết, anh Võ Nam Hà lo lắng nói: “Từ khi dịch bệnh tới giờ, em làm công việc tự do mà ảnh hưởng giờ không làm được gì cả. Tiền ăn uống, sinh hoạt, tiền nhà đều hết sạch. Hiện có 6 anh em cùng thuê chung nhà trọ nhưng đều thất nghiệp. Phường có đưa giấy cho em điền xin hỗ trợ, em đã gửi đi hơn chục cái giấy mà vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ thất nghiệp. Em mong muốn được hỗ trợ để trả tiền điện, tiền nhà. Chứ họ tới thu tiền nhà mà tụi em không có để đóng nữa”.

Trao đổi với bà Lê Thị Ngọc Dung – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân, bà cho biết, về chi hỗ trợ cho nhân dân theo Nghị quyết 9 của Hội đồng nhân dân Thành phố, quận cũng đã tổ chức chi trả trong 2 đợt với hơn 65.500 trường hợp với số tiền trên 98 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố theo công văn số 2799, thì quận cấp cho hơn 179.000 trường hợp với số tiền trên 269 tỷ đồng. Đến nay quận cũng đã chi được 98%. Ngoài ra, từ 23/8 đến ngày 10/9 Trung tâm an sinh của Thành phố cũng đã cấp về cho quận 139.600 túi an sinh. Thành phố còn cấp cho quận 1.500 tấn gạo và đã chuyển về cho các phường. Ngoài ra, quận và 10 phường vận động được gần 66.000 phần quà để chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Ngọc Dung thì do dịch bệnh vẫn còn phức tạp, các nhà máy xí nghiệp vẫn chưa khởi động trở lại, nên số người cần được hỗ trợ ngày càng tăng: “Hiện nay cái khó khăn là do thời gian giãn cách kéo dài, số lượng người khó khăn của quận ngày càng tăng lên và phát sinh nhiều trường hợp có nhu cầu được hỗ trợ. Quận cũng còn khoảng 70.000 trường hợp. Quận cũng đã đề xuất với Thành phố để tiếp tục hỗ trợ các trường hợp khó khăn để hỗ trợ chăm lo. Và khi được duyệt hỗ trợ thì quận cũng cố gắng chuyển nhanh nhất đến nhân dân ở trên địa bàn để chia sẻ cùng nhân dân trong đại dịch này”.

Kéo dài giãn cách, người dân từng ngày mong ngóng được hỗ trợ 1
Ảnh minh họa - Nguồn: Thanhuy

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Dũng – Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp trả lời trên diễn đàn “Dân hỏi – Thành phố trả lời”: Quận Gò Vấp có khoảng 153.000 người ở các phòng trọ, ước tính vẫn còn 110.000 người còn kẹt lại ở Thành phố. Quận cũng đã chi 100% gói hỗ trợ đợt 1 và 98% gói hỗ trợ đợt 2 cho những hộ khó khăn, gồm hơn 32.800 trường hợp với kinh phí là trên 54 tỷ đồng cho lao động tự do, và khoảng 4.000 lao động khác với số tiền trên 8 tỷ đồng. Đợt 2 cũng đã giải quyết xét duyệt và chi cho trên 54.000 hộ với số tiền hơn 81 tỷ đồng, và lao động tự do nhận bổ sung đợt 2 là gần 35.000 trường hợp với tổng số tiền trên 52 tỷ đồng. Về những trường hợp còn chưa được nhận hỗ trợ trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Trí Dũng nhìn nhận, nhiều bà con cũng mong muốn lắm, nhưng do chính sách quy định nên chưa thể thực hiện ngay được: “Thế còn những trường hợp chưa được nhận thì trong thời gian tới thì tôi cũng được biết TP có chủ trương giải quyết cho người dân nhận trợ cấp khó khăn, theo tinh thần là không phân biệt ngành nghề, độ tuổi, đang thất nghiệp, miễn có khó khăn, từ trẻ em đến các cụ già đều sẽ được hưởng gói này. Và tất cả các phường, tổ dân phố phải thống kê đến từng người dân. Nếu trường hợp người dân nào mà địa phương, cơ sở không kịp thời nắm bắt sâu sát thì cũng mong bà con nhanh chóng thông tin trực tiếp cho lãnh đạo phường và cần thiết là lãnh đạo Quận, ở Gò Vấp có đầy đủ các đường dây nóng”.

Cùng nội dung này, tại diễn đàn “Dân hỏi – Thành phố trả lời”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM Phan Văn Mãi cho biết: ban đầu Thành phố có Nghị quyết 9 hỗ trợ cho 1 nhóm đối tượng, tuy nhiên do thấy vẫn chưa đáp ứng đủ, nên Thành phố đã ra thêm gói thứ 2, nhưng cũng không đủ và số lượng thống kê cũng chưa chính xác. Ông Phan Văn Mãi khẳng định: Thành phố đang xây dựng mức hỗ trợ theo người, và nếu tình hình dịch còn phức tạp, còn giãn cách, còn mất việc, không có thu nhập thì sẽ tiếp tục hỗ trợ. Riêng về nguyên nhân chi gói đợt hai còn chậm, là do thời gian qua có những nơi phong tỏa, cách ly, cán bộ làm công tác bị F0 nên không thực hiện công việc xuyên suốt, do đó vẫn chưa phát được hết. Nhưng các địa phương sẽ khẩn trương rà soát và triển khai cho hết gói hỗ trợ lần 2.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM Phan Văn Mãi cũng thông tin: Đến hiện tại, Thành phố đã chi 6.000 tỷ đồng, trong đó 4.800 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố và 1.200 tỷ đồng từ vận động xã hội hóa. Ngoài ra, thành phố cũng đã phát gần 2 triệu túi an sinh cùng 14.000 tấn gạo. Thời gian sắp tới, thành phố đang cân đối ngân sách để hỗ trợ thường xuyên hơn cùng với gạo và túi an sinh, cũng như tiếp tục vận động các nhà trọ giảm giá và hỗ trợ tiền điện, nước: “Có những trường hợp thống kê sót, ngay từ đầu thống kê đã sót thì những trường hợp như vậy tôi đề nghị bà con liên hệ với phường, xã để được lập danh sách và tinh thần thì chúng tôi thống nhất: những trường hợp nào mà bà con thực sự khó khăn, tức là mất việc, không có thu nhập, gặp khó khăn thì phường, xã phải lập danh sách để đề nghị hỗ trợ”.

Thành phố kéo dài giãn cách dẫn đến tình trạng người nghèo lại càng nghèo, người khó lại càng khó, và đến giờ, có thể nói rằng đại bộ phận người dân đều chật vật với việc sinh hoạt, kiếm sống. Vì vậy, ngoài hỗ trợ bằng tiền mặt, sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM giải ngân hết 2 triệu túi an sinh, Thành phố sẽ chi ngân sách để lo thêm 2 triệu túi tiếp theo sau ngày 15/9, nhằm giải quyết tình huống cấp bách, đồng thời không phân biệt số lần người dân nhận gói này. Như vậy, để làm nhanh thì chính quyền địa phương, cơ sở phải có trách nhiệm xuống trực tiếp, thông qua cơ chế vận hành khu phố, tổ dân phố để nắm sát tình hình của người dân. Hơn lúc nào hết, người dân đang từng ngày, từng giờ mong ngóng nhận được sự hỗ trợ, để an tâm, tin tưởng đồng hành cùng chính quyền thành phố thực hiện các quyết sách trong thời gian tới.