Khi camera 'phủ sóng' tham gia giữ gìn trật tự, an ninh

(VOH) - Những năm gần đây, camera giám sát - được gọi là “mắt thần” đã phủ sóng hầu như rộng khắp ở nhiều nơi, từ nhà riêng đến nơi công cộng.

Nhiều hành vi trộm cướp, gây mất an ninh trật tự công cộng, bạo hành, đến các vụ tai nạn giao thông, cũng như các vụ việc vi phạm pháp luật khác, nhờ camera ghi lại mà có thể xử lý đến nơi đến chốn. Những hình ảnh, tư liệu trích xuất từ các camera giám sát, là những dữ liệu phục vụ cho công tác điều tra, nắm tình hình, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự, cũng như góp phần ngăn ngừa, phòng, chống tội phạm... Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ, “mắt thần” giám sát, đã được phát huy rất hiệu quả. 

Cách đây 1 năm trước, tại phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức (quận 9 cũ) xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 5 người trong 1 gia đình bị thiệt mạng. Sự việc đau lòng gây bàng hoàng dư luận. Cũng không ai ngờ, thủ phạm lại là Nguyễn Hữu Phước, hàng xóm của gia đình nạn nhân. Điều đáng nói là cả khi bị bắt, đối tượng còn tỏ ra bình tĩnh vì cho rằng không để lại dấu vết gì trong quá trình gây án.

Tuy nhiên, nhờ hệ thống camera giám sát an ninh trật tự tại địa phương, cùng nghiệp vụ sắc bén, Cơ quan điều tra đã nhanh chóng phá án. Qua tiến hành rà soát, nhận dạng, xác định nghi vấn, lực lượng điều tra đưa những hình ảnh trùng khớp được camera an ninh tại khu vực ghi lại, buộc thủ phạm phải cúi đầu nhận tội.

Khi camera phủ sóng 1
Ảnh minh họa: SGGPO

Hay một vụ việc khác cách đây chưa lâu, xảy ra ở địa bàn phường Tăng Nhơn Phú A. Nhận tin báo mất trộm xe máy, lực lượng chức năng đã nhanh chóng trích xuất camera, dùng các biện pháp nghiệp vụ để sớm phá án. Ông Nguyễn Văn Thương, Trưởng Khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A kể lại: "Tầm giữa tháng 9/2020, trên đường Lã Xuân Oai xảy ra vụ mất trộm xe. Sau khi người dân báo lên, cảnh sát khu vực xuống hiện trường, trích xuất camera, tổng hợp hồ sơ giao lên trên. Nhờ hồ sơ đó mà lực lượng chức năng đã phá vụ án đó, bắt tên trộm ở địa phương khác, thu hồi được tài sản. Camera rất cần trong giữ an ninh trật tự ở địa phương, phát huy hiệu quả rất tốt".

Rõ ràng, hệ thống camera đã phát huy tác dụng trong giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm. Chính vì thế, ở các địa phương, khi triển khai việc vận động lắp đặt “mắt thần” giám sát, hầu hết người dân đều đồng thuận. Anh Nguyễn Thành Nhơn, ở phường Hiệp Phú, thành phố Thủ Đức cho biết, có camera giám sát, chắc chắn an ninh đảm bảo hơn, các đối tượng có hành vi vi phạm cũng phải dè chừng hơn mà không dám manh động.

Sau lần bị trộm viếng nhà, việc lắp “mắt thần” giám sát cũng giúp anh Nhơn yên tâm hơn: "Có thì tốt rồi, vừa an ninh mà mình đi đâu cũng yên tâm hơn. Ra đường cũng yên tâm tài sản xe cộ ở nhà. Ví dụ trộm thấy camera nó cũng sợ một chút. Có càng nhiều càng tốt, người ta làm bậy người ta phải sợ chứ. Chấp hành đàng hoàng thì càng tốt thôi".

Ở lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, camera giám sát cũng đã phát huy hiệu quả tốt trong việc giám sát, điều hành giao thông, xử lý vi phạm qua hình ảnh. Phạt nguội là một trong những giải pháp xử lý vi phạm giao thông được nhiều người dân đồng tình, ủng hộ.

Theo báo cáo, trong năm 2020, lực lượng cảnh sát giao thông Thành phố Hồ Chí Minh đã trích xuất được hơn 91.000 hình ảnh ghi lại các trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt hơn 23.000 trường hợp. Việc xử phạt nguội vi phạm giao thông qua camera đã đạt được những hiệu quả đáng kể, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.

Trung tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: "Qua việc xử phạt vi phạm hình ảnh, cũng góp phần làm giảm áp lực đáng kể đối với lực lượng trực tiếp làm công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính, cũng như giảm thiểu xảy ra các vụ việc không chấp hành việc kiểm tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông. Qua đó đồng thời nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện chấp hành pháp luật giao thông, đảm bảo cho tình hình trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường được thông thoáng hơn, kéo giảm đáng kể tai nạn giao thông".

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư khá lớn trong ứng dụng khoa học công nghệ vào điều hành giao thông. Thông qua hàng trăm camera giám sát giao thông, tới đây, việc xử phạt nguội thông qua hình ảnh vi phạm giao thông dựa vào công nghệ là chính.

Cũng qua hệ thống camera, các cơ quan chức năng đã phát hiện và kịp thời điều động lực lượng để phối hợp xử lý, điều tiết giao thông tại các khu vực thường xuyên ùn tắc. Việc lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh còn tác động trực tiếp, giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Tại các tuyến đường được gắn camera an ninh, giám sát vi phạm giao thông, lấn chiếm vỉa hè..., tình trạng vi phạm giao thông, vứt rác bừa bãi hay những hành vi phản cảm khác cũng được cải thiện đáng kể.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, việc xã hội hóa lắp đặt camera ở khu dân cư trên địa bàn thành phố được người dân hưởng ứng rất tích cực, đến nay đã lắp đặt được hàng chục ngàn “mắt thần” như thế.

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận định, hình ảnh từ camera xã hội hóa cũng được tích hợp về cơ quan quản lý ở quận, huyện, và giúp ích rất nhiều trong quản lý đô thị, an ninh trật tự:

"Chúng ta thấy có nhiều vụ cướp giật, các vụ án hình sự đã được điều tra rất nhanh, thông qua hệ thống camera của người dân như thế này. Một số nơi với hệ thống camera giám sát như vậy, việc quản lý trật tự đô thị được tăng cường. Việc lấn chiếm lòng lề đường, xả rác bậy cũng được giám sát kịp thời. Khi được tích hợp với hệ thống giám sát của nhà nước, tạo ra hệ thống camera hoàn chỉnh, hiệu quả, giúp giảm gánh nặng ngân sách đầu tư".

Ứng dụng công nghệ là một xu hướng tất yếu. Cùng với việc xã hội hóa đầu tư “mắt thần” camera, từ tháng 4/2019, thành phố Hồ Chí Minh đã khánh thành Trung tâm điều hành đô thị thông minh, kết nối hàng ngàn camera, tích hợp được dữ liệu hình ảnh từ camera giám sát giao thông của công an thành phố, camera của Trung tâm quản lý điều hành giao thông thông và các hệ thống camera an ninh được phát triển thời gian qua trên các quận/huyện, khu vực.

Dự kiến trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều hệ thống camera giám sát người và phương tiện tại những khu vực trọng điểm, khu vực công cộng và nhiều vị trí khác. Với mạng lưới “mắt thần” rộng khắp, chủ động giám sát hình ảnh khắp nơi, công tác quản lý an ninh trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn sẽ được hỗ trợ tốt nhất, hạn chế vi phạm, ngăn ngừa và phòng chống tội phạm thêm hiệu quả, cũng như góp phần điều chỉnh hành vi của người dân phải luôn thượng tôn pháp luật.