Khi doanh nghiệp và người lao động bắt tay "né" BHXH

(VOH) - Từ 1/1/2016, phí bảo hiểm xã hội (BHXH) của hàng chục triệu người lao động sẽ được thu theo quy định mới nhưng những quy định này đứng trước thách thức không nhỏ.

Theo đó, phí bảo hiểm xã hội sẽ được thu trên cả những khoản thu nhập ngoài lương. Ngoài ra, BHXH cũng mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung chế độ thai sản, chế độ ốm đau, thực hiện lộ trình tăng tuổi hưu, đảm bảo bình đẳng khi tham gia BHXH và quy định về hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.. 

Công nhân Lê Thị Tâm - quận Tân Bình tính: công ty trả 4 triệu đồng/tháng và ký hợp đồng 3 tháng. Muốn đóng BHXH sẽ ký trên 6 tháng và tiền đóng bảo hiểm sẽ khấu trừ vào lương. Hiện, chi phí thuê nhà ở và ăn uống cũng hết ngần đó tiền lương nên Tâm không muốn đóng. Nói chung, chờ khi nào lương cao hơn rồi nộp. Công ty cũng đồng ý việc này. “Công ty làm hợp đồng lao động chỉ là đối phó  thôi !”, Tâm thừa nhận.

Công nhân - lao động chủ yếu là người làm việc dưới 3 tháng - Ảnh: P. Dung.

Ông Đỗ Huy Niên, Trưởng phòng tổ chức hành chánh Công ty Cổ phần Hưng Phú cho rằng, đa số công nhân không muốn đóng BHXH vì không muốn mất 10,5% lương. Chủ sử dụng lao động lợi dụng lý do này, không đóng 20% mức tiền lương vào quỹ bảo hiểm xã hội và cũng không ký hợp đồng lao động. Đặc biệt, cả hai đối tượng này rất “ngại” làm thủ tục liên quan đến BHXH vì khá phức tạp. "Đóng BHXH là chi phí lớn nên người ta tìm cách bóp lại. Người lao động không đóng BHXH thì được 5 triệu. Đóng thì tốn 500.000 đồng, còn bốn triệu mấy, người ta không thích. Nhưng chủ yếu là do doanh nghiệp "

Theo luật sư Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật - Liên đoàn Lao động TPHCM, nhận thức chưa sâu sắc về lợi ích của đóng bảo hiểm xã hội dẫn đến việc tự thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng lao động khiến cả hai vi phạm pháp luật. "Điều 26 khoản 1 của Nghị định 95 quy định phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động thì cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động để không tham gia bảo hiểm bắt buộc".

Còn nhiều trường hợp công nhân và doanh nghiệp vẫn "né" đóng BHXH - Ảnh minh họa - Nguồn: TNCK.

Chính vì vậy, hiện cả nước mới có 11,6 triệu người đóng bảo hiểm xã hội, chiếm 70% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2006.

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ Trưởng Vụ BHXH – Bộ LĐ TBXH thừa nhận, mở rộng đối tượng tham gia BHXH là nông dân và nhóm có hợp đồng lao động dưới 3 tháng là bài toán rất khó. Tại TPHCM, ngành Bảo hiểm Xã hộicó nhiều phương án để tăng thu bảo hiểm xã hội và mở rộng đối tượng. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp làm ăn không bền vững, thời vụ thì họ thường tìm cách trốn, không tham gia BHXH.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều doanh nghiệp cố ý “lách luật” bằng cách chỉ ký hợp đồng thử việc, ngắn hạn (dưới 3 tháng) cho người lao động để trốn đóng BHXH. Do đó, để khắc phục hiện tượng này cần tăng mức chế tài xử phạt. "Về phía doanh nghiệp, tham gia bảo hiểm trong một thời gian ngắn xong rồi đơn vị sẽ tự ngưng hoạt động mà không thông báo cho cơ quan quản lý biết tình trạng hoạt động của mình. Thứ hai là về nhận thức, quyền lợi và nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc tham gia BHXH của chủ sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế làm ảnh hưởng đến giải quyết quyền lợi cho người lao động. Mặt khác, chiếm dụng quỹ này sẽ có lợi hơn vì mức phạt chậm đóng BHXH so với lãi suất ngân hàng thì vẫn thấp".