Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng).
Trong giai đoạn 1, tuyến cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 80km/giờ, với bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17 m đối với các đoạn thông thường và 13,5 m đối với các đoạn phức tạp.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.331 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026, thời gian hoàn vốn dự kiến là 24 năm 10 tháng.
Sau khi hoàn thành, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc.
Dự kiến giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư sau năm 2026. Quy mô giai đoạn 2 đầu tư khoảng 27,71 km còn lại (từ điểm cuối giai đoạn 1 tại Km 93+350 đến điểm cuối tại ranh giới Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh).
Theo quy hoạch, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, được Bộ Giao thông Vận tải lập quy hoạch có chiều dài 144 km, với tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỉ đồng.
Đây là dự án rất khó về yếu tố kỹ thuật bởi địa hình hiểm trở, đặc biệt là suất đầu tư rất lớn, lưu lượng thấp dẫn đến bài toán hoàn vốn khó khăn. Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.
Sau đó, Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 4 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23 km chiều dài tuyến xuống còn 121 km, tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn còn gần 23.000 tỉ đồng, giảm hơn một nửa so với phương án ban đầu.
Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương tiếp giáp với Trung Quốc;m
Sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội đi Hải Phòng; các tỉnh phía Nam Việt Nam kết nối với các tỉnh Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội, kết nối với tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang và các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam.