Khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho phát triển điện ảnh

(VOH) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 15, chiều nay 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Theo các đại biểu, Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh; khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi; tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội phát triển ngành điện ảnh.

khuyen-khich-xa-hoi-hoa-huy-dong-cac-nguon-luc-cho-phat-trien-dien-anh-voh.com.vn-anh1
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, ngày 28/10/2021. (Ảnh: quochoi)

Theo các đại biểu, chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh trong Dự án Luật còn phân tán, có nội dung diễn đạt chưa rõ; phim do Nhà nước đầu tư sản xuất theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị có đề tài khá rộng, cần nghiên cứu, quy định chính sách chung về phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Các đại biểu đề nghị các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện ảnh cần được lượng hóa cụ thể hơn, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; có giải pháp ràng buộc về mặt pháp lý để bảo đảm tính khả thi.

Đại biểu Đinh Phương Lan, Quảng Ngãi đề nghị Chính sách phát triển điện ảnh phải tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư vào những nội dung cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước, như thực hiện nhiệm vụ chính trị, định hướng giá trị, công nghệ, kiểm định chất lượng nhưng đảm bảo điều kiện để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, phù hợp với quy luật của thị trường: "Dự thảo luật quy định Nhà nước đầu tư xây dựng trường quay công nghệ hiện đại, Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng đất đai với các nhà sản xuất phim,… Tôi đề nghị ban soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động các quy đinh này, khả năng đáp ứng nguồn lực của ngân sách Nhà nước. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo hay chỉ hỗ trợ, định hướng giá trị công nghệ, phát triển hạ tầng công nghệ cơ bản của điện ảnh…".

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Kon Tum cho rằng, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp cần quan tâm đến chính sách xã hội hóa: "Tại Khoản 3 Điều 5 của dự thảo có quy định: khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh thuộc lĩnh vực Nhà nước đầu tư và Nhà nước hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước. Tôi nghĩ rằng, cần có quy định cụ thể về chính sách khuyến khích này như thế nào, cơ chế để tổ chức, cá nhân tham gia trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia,… để chính sách này dễ thực hiện khi Luật đi vào thực tiễn cuộc sống”.

Vấn đề thẩm quyền, trách nhiệm kiểm duyệt, phân loại phim cũng thu hút sự quan tâm, thảo luận của các đại biểu. Hầu hết các ý kiến đại biểu thống nhất cho rằng, trong bối cảnh số hóa và mỗi ngày có một lượng rất lớn phim được phổ biến, phát hành qua mạng internet hiện nay, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đoàn Bình Định cho rằng: "Tôi đồng ý ưu tiên hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Vấn đề tôi phân vân làm sao kiểm soát để trẻ em xem phim trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi của mình. Theo tôi, nếu tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng có tổ chức hệ thống kiểm soát trẻ em, để người lớn kiểm soát được thì ưu tiên hậu kiểm. Còn nếu tổ chức nào chưa có thì thực hiện hậu kiểm…".

Dự thảo Luật quy định 02 phương án đối với hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước: Phương án 1 - giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; Phương án 2 - giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Đa số ý kiến đại biểu lựa chọn phương án 2, gồm cả hình thức đấu thầu, vì thực hiện đấu thầu tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân và phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu.