Tại Agribank, lãi suất cho vay bình quân tháng 4 là 7,26%/năm, giảm 0,13% so với tháng 3.
Mức cho vay ngắn hạn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ là 4%/năm.
Lãi suất cho vay thông thường mức tối thiểu kỳ hạn ngắn là 5%/năm, còn trung dài hạn là 6%/năm. Lãi suất huy động bình quân là 4,03%/năm.
Agribank là ngân hàng có chênh lệch lãi suất thấp nhất với 1,43%/năm, giảm nhẹ so với tháng liền kề.
Tại BIDV, lãi suất cho vay bình quân tháng 5 là 6,04%/năm, giảm so với mức 6,25% của tháng 4.
Chênh lệch lãi suất (cho vay bình quân trừ huy động bình quân) là 3,15%/năm. Chênh lệch lãi suất sau khi trừ đi chi phí liên quan huy động vốn, sử dụng vốn là 1,86%.
Vietcombank công bố lãi suất cho vay bình quân tháng 4 là 6,1%/năm, giảm 0,3% so với tháng 3. Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 3,3%/năm.
Chênh lệch lãi suất sau khi trừ các chi phí liên quan hoạt động huy động vốn, sử dụng vốn là 1,6%/năm.
Trong khối các ngân hàng thương mại, hầu hết các nhà băng cũng giảm nhẹ lãi suất cho vay trong tháng 4.
Những ngân hàng đang có lãi suất cho vay bình quân cao như Liên Việt, Bản Việt, Kiên Long với lãi suất từ 8,07% - 8,94%...
Theo Chỉ thị số 14 ngày 2/5 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý.
Thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai, minh bạch lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng cho vay có lãi suất thấp, phù hợp yêu cầu sử dụng vốn tín dụng.
Triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản...