Lâm Đồng chuẩn bị khởi công 2 tuyến cao tốc

(VOH) - UBND tỉnh Lâm Đồng đang chuẩn bị các điều kiện để khởi công 2 tuyến đường cao tốc trong tháng 9/2023.

Đó là Dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Tân Phú- Bảo Lộc và Bảo Lộc- Liên Khương, nối liền thành phố Đà Lạt với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam

Theo lãnh đạo địa phương, hiện Thủ tướng Chính phủ xem xét kiến nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng và dự kiến bố trí phân bổ, hỗ trợ cho dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương 2.500 tỷ đồng và dự án cao tốc Tân Phú- Bảo Lộc 2.000 tỷ đồng.

Dự án cao tốc đoạn Tân Phú- Bảo Lộc nối liền huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) với thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) có chiều dài tuyến đường khoảng 66km; trong đó, đoạn đi qua tỉnh Lâm Đồng dài 55km.

Bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng. Vốn nhà nước 6.500 tỷ đồng, vốn sở hữu của các nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.095 tỷ đồng.

Lâm Đồng chuẩn bị khởi công 2 tuyến cao tốc 1
Ảnh minh họa: TTXVN

Dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc- Liên Khương nối thành phố Bảo Lộc với đoạn cao tốc Liên Khương- Prenn (Đà Lạt) có chiều dài tuyến đường khoảng 74km, bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe.

Dự kiến tổng đầu tư 19.521 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn nhà nước 7.761 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các nhà đầu tư 11.760 tỷ đồng.

Để đảm bảo hoàn thành dự án, ngày 9/2, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung thêm nội dung cơ chế chia sẻ doanh thu giảm đối với Dự án đầu tư cao tốc Tân Phú- Bảo Lộc để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn vốn huy động khoảng 9.095 tỷ đồng khác.

Xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương để thực hiện dự án đường bộ cao tốc đoạn Bảo Lộc- Liên Khương theo phương thức đối tác công tư với số vốn 2.500 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương.

Xem thêm: Thủ tướng: Giữ vững bản lĩnh trước bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức

UBND tỉnh kiến nghị cho phép thực hiện chỉ định thầu theo quy trình rút gọn với 1 số gói thầu tư vấn.

Phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, chấp thuận đối với diện tích rừng đặc dụng dưới 50 ha và rừng sản xuất từ 50ha đến dưới 1.000 ha để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư.

Bình luận