Lãnh đạo TP.HCM dâng hương tại nghĩa trang Hàng Dương và Hàng Keo huyện Côn Đảo

(VOH) - Sáng 16/7, Lãnh đạo TP.HCM dâng hương tại nghĩa trang Hàng Dương và Hàng Keo huyện Côn Đảo nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - liệt sỹ.

Đoàn đại biểu Thành ủy – Hội đồng nhân dân - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM do bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM làm trưởng đoàn, đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương và Nghĩa trang Hàng Keo thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cùng dâng hương có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, cựu tù chính trị bị giam giữ tại Côn Đảo; ông  Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; bà Võ Thị Dung, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM... cùng lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của TPHCM, lãnh đạo Tỉnh ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, huyện Côn Đảo; các cựu tù chính trị từng bị giam giữ tại Côn Đảo, thân nhân các Liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương.

lanh-dao-tp-hcm-dang-huong-tai-nghia-trang-hang-duong-va-hang-keo-huyen-con-dao-voh.com.vn-anh1
 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa dâng hương tại phần mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu.

Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu cùng dâng nén hương với lòng thành kính hướng về anh linh của các anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước tại đài tưởng niệm nghĩa trang Hàng Dương. Đoàn đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong nhà tù Côn Đảo đang yên nghỉ trên mảnh đất Côn Đảo. Sau nghi lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các đại biểu đã đến từng phần mộ dâng hương các liệt sĩ đang an nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương, mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, mộ nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, anh hùng Lê Văn Việt và anh hùng Cao Văn Ngọc….

Theo chia sẻ của ông Võ Ái Dân, đây là lần thứ 41 ông trở lại Côn Đảo, ông hiện là Phó Trưởng ban Ban liên lạc Nữ Cựu tù chính trị và tù binh Thành phố Hồ Chí Minh. Là người con ưu tú của tỉnh Bến Tre, trước đây, ông nguyên là Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam thuộc Văn phòng Quốc hội. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt đày ra nhà tù Côn Đảo từ năm 1964 - 1975. Ông hiện sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, ông xúc động cho biết: Côn Đảo là một trong những quần đảo tiền tiêu, nằm về hướng Đông Nam của Tổ quốc Việt Nam. Trong suốt 113 năm (1862 - 1975), Côn Đảo nổi tiếng là “Địa ngục trần gian”. Dưới hai thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến nơi đây thành nơi giam giữ, đọa đày của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam. Hàng vạn người con ưu tú của đất nước đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Côn Đảo: “Xương máu của ông cha chúng ta từ năm 1962 đến năm 1975 là 113 năm, đã hy sinh khoảng 2 vạn người cho nên Côn Đảo được mệnh danh là bàn thờ của Tổ quốc. Trong đó, có những anh em cùng chiến đấu và chết trÊN tay tụi tôi. Cho nên Côn Đảo đối với cá nhân tôi và đối với rất nhiều người vô cùng thiêng liêng và có những anh em rất xứng đáng được phong anh hùng. Có những anh em không phải đảng viên Đảng cộng sản, chống ly khai rồi bị giết thôi, và có những lúc nó giết một lúc 5 người như thế”.

Còn ông Nguyễn Kim Quang, ngụ phường 7, quận 11, con của Liệt sỹ Nguyễn Văn Trí, nguyên Ủy viên thường vụ Ban Nông hội tỉnh Gia Định, ba ông bị địch bắt đày ra Côn Đảo năm 1956 và hy sinh năm 1957 do phản đối việc chào cờ của chế độ Pháp, khi đó ông mới 40 tuổi: “Tôi rất tự hào về cha ông của mình đã cống hiến cho cách mạng và bản thân tôi sau giải phóng tôi cũng tham gia vào cách mạng, sau đó về hưu. Nói chung mỗi năm nhà nước  đều tạo điều kiện cho người thân ra thăm gia đình và thăm ông già là liệt sỹ. Tôi rất vinh dự và tự hào khi cha ông mình đã hy sinh cho đất nước”.

lanh-dao-tp-hcm-dang-huong-tai-nghia-trang-hang-duong-va-hang-keo-huyen-con-dao-voh.com.vn-anh3
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại nghĩa trang Hàng Keo.

Cùng đi viếng các phần mộ của các liệt sỹ nằm lại nghĩa trang Hàng Dương, bà Võ Thị Dung - nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh xúc động bày tỏ, cứ mỗi lần được ra Côn Đảo đi thắp hương mộ các anh hùng liệt sỹ, sự xúc động không bao giờ thay đổi đó là lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ dành cho các anh hùng liệt sỹ: “Năm nay kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, trở lại Côn Đảo, nhìn thấy sự phát triển của Côn Đảo chúng ta vừa vui mừng và càng cảm ơn sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam, cho sự phồn vinh và phát triển đi lên của Việt Nam chúng ta. Để đáp lại sự hy sinh cao cả đó, mỗi chúng ta phải làm hết sức mình để tỏ lòng biết ơn và để góp phần thực hiện lý tưởng cao cả của các đồng chí hy sinh cho nền độc lập dân tộc và cho nền hòa bình, thống nhất mà hôm nay chúng ta được thừa hưởng”.

Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của gần 2.000 chiến sĩ cách mạng và nhà yêu nước qua nhiều thế hệ kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975, trong đó chỉ có 793 ngôi mộ lưu rõ danh tính, quê quán, phần còn lại là những ngôi mộ chưa xác định được danh tính. Suốt chặng đường lịch sử 113 năm, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến nơi đây thành “Địa ngục trần gian” để giam cầm, tra tấn và giết hại hàng vạn người con ưu tú của dân tộc. Trong cuộc chiến đấu khốc liệt ấy nhiều đồng chí đã hy sinh, có người phải mang thương tật suốt đời. Nhưng các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước Việt Nam luôn giữ vững khí tiết đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng, đã để lại nhiều tấm gương sáng ngời trong lịch sử của dân tộc. Hiện nay, Nghĩa trang Hàng Dương đã được xếp hạng Di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia.

Bình luận