Lao động nữ chưa được hưởng đầy đủ chính sách mới, vì sao?

(VOH) - Nghị định 85 của Chính phủ về chính sách đối với lao động nữ (hiệu lực từ 15/11/2015) chưa được nhiều doanh nghiệp áp dụng.

Lao động nữ chưa “rành” quy định mới

Theo Nghị định để lao động nữ cải thiện về điều kiện làm việc cũng như sức khỏe, doanh nghiệp phải đảm bảo có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh tại nơi làm việc; khuyến khích áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt; được hưởng các điều kiện chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản và nhiều ưu đãi khác, thời gian nghỉ hưởng nguyên lương.

Khảo sát nhiều doanh nghiệp cho thấy, số được hưởng chế độ nghỉ ngơi dưỡng sức rất ít và chế độ này hầu như không được nhiều người biết đến.

Chị Thúy Nga, công nhân ở Công ty Cổ phần In và Bao bì Mỹ Châu, Q.Tân Phú chia sẻ, đối với công nhân nữ làm công việc nặng nhọc thì được nghỉ 30 phút hoặc cho về sớm thì thoải mái hơn, giảm được áp lực.

Tuy nhiên, chị khẳng định: “Không ai biết về các chế độ này. Công ty cũng không có phòng để vắt sữa. Chính sách cho nghỉ 30 phút, 3 ngày trong tháng của phụ nữ cũng chưa áp dụng”.

 “Luật cho một ngày “đèn đỏ” được nghỉ 30 phút, một tháng 3 ngày mình nghỉ 90 phút vậy mà không được nghỉ, lại quy ra lương” - chị Nguyễn Thị Kim Hồng - Công ty Sampu Vina TPHCM bức xúc.

Doanh nghiệp lo ngại chính sách sẽ làm ảnh hưởng tới các dây chuyền sản xuất (Ảnh: tng)

Doanh nghiệp muốn… "linh hoạt"

Trong khi người lao động đánh giá cao thì người sử dụng lao động cho rằng, quy định làm khó doanh nghiệp.

Một đại diện doanh nghiệp ở Bình Dương cho biết, công ty đa phần là nữ nếu giải quyết chế độ nghỉ trong thời gian "hành kinh" và "để vắt sữa cho con bú" sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất.

“Doanh nghiệp nên thỏa thuận với người lao động để họ vẫn làm việc bình thường và thời gian nghỉ được tính vào giờ làm thêm. Có nghĩa, nếu người lao động nữ làm việc 8 tiếng mà ngày hôm đó không được nghỉ 30 phút, thời gian làm việc được tính là 8 tiếng rưỡi”, đại diện một doanh nghiệp kiến nghị.

Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Trưởng phòng quản lý lao động thuộc Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho rằng, còn một số khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện nghị định bởi các quy định đều mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích.

“Doanh nghiệp cũng có cái khó trong sắp xếp sản xuất khi áp dụng Nghị định 85. Nếu có thể mở rộng để hai bên tự thỏa thuận. Doanh nghiệp linh hoạt để vừa đảm bảo sản xuất vừa giải quyết được chế độ cho chị em nữ” - bà Thư đề nghị. 

"Đã là Luật , phải thực hiện..."

Ông Mai Đức Thiện – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) khẳng định, Nghị định 85 được xây dựng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích về giới của người lao động và trách nhiệm của người sử dụng lao động đã được nêu chi tiết trong Luật lao động.

“Đã là pháp luật thì phải thực hiện chứ không thỏa thuận. Ví dụ 60 giờ nghỉ trong thời gian nuôi con nhỏ hay 30 phút nghỉ do hành kinh phải theo đúng quy định."

Bà Đỗ Hồng Phương – Chuyên gia chính sách về dinh dưỡng của Unicef Việt Nam phân tích, cần phải có sự đồng bộ trong kiểm tra, giám sát cũng như tăng cường tuyên truyền, vận động doanh nghiệp.

Theo bà Phương, để Nghị định 85 đi vào cuộc sống và thực sự thực hiện tốt, cần sự tham gia của các bộ,ngành chứ không riêng Bộ LĐ TB XH. Đặc biệt, doanh nghiệp phải có trách nhiệm.

“Tất cả những gì Unicef làm dựa trên công ước Quốc tế về quyền trẻ em và công ước Quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức bóc lột đối với cả phụ nữ” – bà Phương nhấn mạnh.