Lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa để mua, đưa cổ vật, bảo vật quốc gia từ nước ngoài về Việt Nam

VOH - Chiều 23/10, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Trong dự thảo có nội dung đề xuất lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay một số ý kiến nhất trí thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Quỹ này nhằm hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Có các ý kiến đề nghị xác định rõ cơ chế đặc thù cho việc quản lý tài chính của quỹ. Có ý kiến đề nghị cân nhắc không thành lập quỹ này.

nguyen-dac-vinh-17296831490871937798452
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Nguồn: TTO

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự luật quy định quỹ này để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được như: bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước...

Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài. Ngoài ra còn có các nguồn tài chính hợp pháp khác. Quỹ không nhận kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất quy định quỹ tại dự luật và đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thực tiễn; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm.

Bổ sung quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập quỹ ở địa phương.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Thích Đức Thiện (Điện Biên) cho rằng việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là rất cần thiết, góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Đại biểu Thích Đức Thiện cho rằng cần có các cơ chế, chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp cho quỹ, nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động của quỹ...

Ông đề xuất mở rộng thẩm quyền thành lập quỹ cho các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, nhằm tạo nguồn lực đa dạng.

Bình luận