Chờ...

Vì sao cần thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa?

VOH - Chiều 18/6, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, luật hiện hành chỉ quy định Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, tài trợ, song quy định chưa rõ nên khó thực hiện.

Di sản văn hóa Việt Nam rất phong phú, trong đó nhiều di sản văn hóa phi vật thể giá trị tiêu biểu có nguy cơ mai một, thất truyền. Nhiều di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia xuống cấp nghiêm trọng; nhiều di vật, cổ vật quý còn lưu lạc ở nước ngoài.

Trong khi đó, kinh phí Nhà nước còn hạn chế, rất cần có nguồn huy động từ quỹ để đáp ứng yêu cầu cấp bách đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa mà chưa được ngân sách bố trí.

Căn cứ pháp lý để thành lập quỹ giúp giải quyết vướng mắc của ngành Di sản văn hóa, cụ thể hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa, bảo tồn giá trị di sản và phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch.

quy-bao-ton-di-san-van-hoa
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ.

Quỹ bảo tồn di sản văn hóa hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; thực hiện việc lập dự toán, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán, quyết toán tài chính và thực hiện kiểm toán theo quy định, bảo đảm công khai tài chính và minh bạch kết quả hoạt động.

Cơ quan thẩm tra, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho rằng trong Nghị quyết 792/2019 về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính trong một số luật.

Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ sự cần thiết, cơ sở thành lập và đánh giá kỹ tác động, tính khả thi của việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.

Bên cạnh nội dung về quỹ, dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi quy định di vật (hiện vật có giá trị được lưu truyền), cổ vật (di vật có từ 100 tuổi trở lên) thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế và kinh doanh trong nước. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân, chuyển nhượng các hiện vật này.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đề xuất việc chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự và các pháp luật khác liên quan.

Nhà nước được ưu tiên sở hữu thông qua chuyển nhượng đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và khuyến khích cá nhân, tổ chức, bảo tàng ngoài công lập đưa di vật, cổ vật có giá trị của Việt Nam từ nước ngoài về nước.