Chờ...

Lấy ý kiến cho đề án hệ thống mạng lưới metro tại Hà Nội, TPHCM

VOH - Các đơn vị gửi văn bản tham gia ý kiến về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15/6/2024.

Ngày 5/6, Bộ Giao thông vận tải gửi văn bản tới cơ quan Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành… để xin ý kiến đối với dự thảo đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị (metro) tại TP Hà Nội, TPHCM đến năm 2035.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Chính phủ, đến nay UBND TP Hà Nội và UBND TPHCM đã dự thảo đề án tổng thể.

Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đồng thời làm cơ sở cho UBND TP Hà Nội, UBND TPHCM hoàn thiện đề án, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan nghiên cứu tham gia ý kiến về dự thảo đề án.

Văn bản tham gia ý kiến gửi về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15/6/2024 để phối hợp với hai thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề án.

z5340546718186d01a92c2c1fb2b4ec95810922732f942-171759756918953642768
Metro số 1, TPHCM - Ảnh: TTO

Theo dự thảo đề án, Hà Nội và TPHCM xác định đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Phát triển đường sắt đô thị song song với phát triển đô thị tạo động lực phát triển liên kết vùng.

TP Hà Nội đang có tuyến số 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông dài 13km đã đưa vào vận hành khai thác.

Tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km và tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km đang triển khai xây dựng.

Tại TPHCM, metro số 1 dài 19,7km dự kiến thai khác trong năm 2024. Metro số 2 dài 11,2km dự kiến hoàn thành vào năm 2030. Metro số 5 đoạn Bảy Hiền - cầu Sài Gòn dài khoảng 9km đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện các tuyến metro như mục tiêu đề ra tại kết luận 49 của Bộ Chính trị, đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng đề án và trình cấp thẩm quyền cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội.

Tính riêng TPHCM, đề án đặt mục tiêu giai đoạn 1 từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến với tổng chiều dài khoảng 183km, dự kiến đảm nhận từ 40 - 50% lượng khách công cộng, đáp ứng 7 - 8 triệu lượt hành khách/ngày đêm.

Sơ bộ tổng mức đầu tư cho giai đoạn này cần hơn 824.495 tỷ đồng. Vốn triển khai sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định.