Lấy ý kiến về 4 trường hợp CSGT được dừng xe

(VOH) - Trong dự thảo mới, Bộ Công an đề xuất lực lượng CSGT được ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát trong 4 trường hợp.

Bộ Công an vừa ban hành dự thảo lần 2 thông tư quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT để lấy ý kiến đóng góp.

Trong dự thảo này, lực lượng CSGT được quyền ra hiệu dừng phương tiện trên đường để kiểm soát trong 4 trường hợp. Đó là:

- Các tổ tuần tra được dừng phương tiện khi trực tiếp hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện hành vi vi phạm luật.

- Khi thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch xử lý theo chuyên đề đã được phê duyệt.

- Khi có văn bản đề nghị của cơ quan chức năng

- Khi có tin báo, phản ánh của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm.

Lấy ý kiến về 4 trường hợp CSGT được dừng xe
Ành minh họa: VOH

Cũng theo dự thảo, Bộ Công an sẽ trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ (súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp...) cho lực lượng CSGT để làm nhiệm vụ.

Xem thêm: Điểm tin sáng 18/10/2022: Lương công chức, viên chức sẽ tăng từ tháng 7/2023

Ngoài ra, Bộ Công an đề xuất cho phép CSGT khi kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, được bố trí một bộ phận cán bộ mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác.

Khi phát hiện vi phạm, cán bộ mặc thường phục phải thông báo ngay cho lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai (có mặc trang phục cảnh sát, đeo số hiệu công an nhân dân theo quy định) để tiến hành kiểm soát, xử lý.

Theo quy định hiện hành, khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, CSGT chỉ được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trường hợp sau:

- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.