Chờ...

Luật Chứng khoán (sửa đổi): Nâng điều kiện vốn để chống 'bong bóng' và 'tiểu xảo'

(VOH) - Theo chương trình làm việc, chiều 6/6, Quốc hội sẽ thảo luận tổ về dự án Luật chứng khoán (sửa đổi).

Một trong những điểm mới của dự án luật này là việc nâng điều kiện vốn điều lệ tối thiểu đã góp đối với công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng. Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông khẳng định quy định mới này nhằm bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đồng thời ngăn chặn việc thao túng thị trường chứng khoán như thổi giá, tạo “bong bóng”.

ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội

ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: DĐDN

*PV: Ông đánh giá như thế nào khi nâng nâng điều kiện vốn điều lệ tối thiểu đã góp đối với công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng?

- Ông Trần Văn Lâm: Khi đã lên sàn chứng khoán thường là những công ty có độ tin cậy cao, như vậy quy mô không thể lặt vặt với vài tỷ đồng mà bước lên sàn giao dịch thì làm sao có đủ độ tin cậy cho các nhà đầu tư. Để bảo vệ nhà đầu tư, thứ nhất, cần phải có những tiêu chuẩn rất cao, do đó việc nâng mức này cũng là tăng yêu cầu tiêu chuẩn đối với những doanh nghiệp đủ điều kiện lên sàn, nhằm đảm bảo cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thứ hai, điều này cũng phù hợp với tình hình phát triển quy mô tăng lên của nền kinh tế trong thời gian vừa qua.

*PV: Liệu có cao quá không khi 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn bình quân chỉ khoảng 11 tỷ đồng, nay nâng lên 30 tỷ, thưa ông?  

- Ông Trần Văn Lâm: Theo tôi thì không ảnh hưởng. Vì những doanh nghiệp không lên sàn vẫn đăng ký hoạt động kinh doanh bình thường theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động đó, sẽ có sự ‘sàng lọc” những doanh nghiệp đủ mạnh, đủ uy tín để tham gia vào thị trường chứng khoán. Theo tôi đánh giá, trước tiên căn cứ vào quy mô nền kinh tế của chúng ta đã tăng lên. Nếu Luật chứng khoán cách đây hơn 10 năm so với hiện tại đã tăng lên hơn 2 lần, trong khi luật này còn phải đáp ứng khoảng 5 đến 10 năm tới đây, vì vậy quy định mức này theo tôi là phù hợp theo đà tăng lên của nền kinh tế. Đồng thời, cũng phù hợp với việc bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước. Cũng có ý kiến cho rằng đề xuất như vậy là cao, nhưng cũng thể khuyến khích tất cả các doanh nghiệp cùng “lên sàn” khi chưa đủ đảm bảo yếu tố ổn định, minh bạch, hiệu quả để tham gia vào thị trường chứng khoán.

*PV: Vậy dựa trên cơ sở nào để đưa ra tiêu chí 30 tỷ đồng?

- Ông Trần Văn Lâm: Theo tôi đánh giá, trước tiên căn cứ vào quy mô nền kinh tế của chúng ta đã tăng lên. Nếu Luật chứng khoán cách đây hơn 10 năm so với hiện tại đã tăng lên hơn 2 lần, trong khi luật này còn phải đáp ứng khoảng 5 đến 10 năm tới đây, vì vậy quy định mức này theo tôi là phù hợp theo đà tăng lên của nền kinh tế. Đồng thời, cũng phù hợp với việc bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước. Cũng có ý kiến cho rằng đề xuất như vậy là cao, nhưng cũng thể khuyến khích tất cả các doanh nghiệp cùng “lên sàn” khi chưa đủ đảm bảo yếu tố ổn định, minh bạch, hiệu quả để tham gia vào thị trường chứng khoán.

*PV: Ông có kiến nghị đề xuất gì thêm cho luật chứng khoán sửa đổi lần này ?

- Ông Trần Văn Lâm: Luật Chứng khoán phải yêu cầu cao hơn đối với doanh nghiệp, không thể cởi mở để doanh nghiệp nào cũng nhảy vào được. Yêu cầu cao là để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn vào đầu tư, luật chứng khoán không phải mở ra để doanh nghiệp nào cũng có thể vào để huy động vốn. Nếu quá dễ dãi sẽ bị nhiễu loạn thông tin và giá trị doanh nghiệp có thể bị “đánh đồng” giữa doanh nghiệp yếu kém với doanh nghiệp có đủ thực lực và uy tín. Lúc này uy tín thị trường chứng khoán sẽ giảm xuống, nhà đầu tư không yên tâm đầu tư vào thị trường này nữa. Không phải nới lỏng đầu vào để doanh nghiệp lên sàn chứng khoán nhằm tăng số lượng doanh nghiệp.

Số lượng doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp, khi nào đủ các yêu cầu thì mới tham gia vào thị trường chứng khoán để huy động vốn trên thị trường này được. Cho nên giữa việc tăng số lượng doanh nghiệp với tăng số doanh nghiệp tham gia vào thị trường chứng khoán là hai việc hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, chúng ta không phải lo ngại việc yêu cầu cao của luật chứng khoán sửa đổi lần này sẽ làm mục tiêu phát triển doanh nghiệp.

Vấn đề tôi lo ngại nhất hiện nay và mong muốn luật chứng khoán hướng tới, là việc thao túng thị trường chứng khoán, thổi giá, tạo “bong bóng”. Đã có nhiều “đại gia” giàu có một cách nhanh chóng từ việc dùng “tiểu xảo” trên thị trường chứng khoán. ‘Bong bóng” chứng khoán đến một giai đoạn nhất định sẽ ‘nổ” và làm cho nền kinh tế bị sụp đổ. Và luật chứng khoán phải ngăn chặn từ xa tình trạng “bong bóng” chứng khoán, ngăn ngừa các nhà đầu tư, đầu cơ làm giá trên thị trường chứng khoán, thổi giá chứng khoán cao hơn giá trị thực của cổ phiếu.

*PV: Cảm ơn ông!