Món quà ý nghĩa dành tặng chiến sỹ giữa rừng sâu vì hậu phương phòng Covid-19

(VOH) - Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các chốt biên phòng, thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước thật sự là “lá chắn thép” làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn rừng sâu, núi cao, nơi biên giới, việc ăn ở, sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, song thời gian qua, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các chốt biên phòng, thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước, vẫn kiên cường bám trụ, phối hợp các lực lượng làm nhiệm vụ chốt chặn, tuần tra, kiểm soát đêm ngày. Họ thật sự là “lá chắn thép” phòng, chống dịch. Nhằm kịp thời động viên và chia sẻ những khó khăn với lực lượng đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đoàn lãnh đạo Thành phố do bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM làm trưởng đoàn vừa đến thăm các Đồn biên phòng Đắc Nô và Đắc Ka, đóng quân trong khu vực Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, giáp với biên giới Campuchia. Nơi đây chưa có hệ thống điện lưới quốc gia nên gặp rất nhiều khó khăn về sinh hoạt và công tác.

Món quà ý nghĩa giữa rừng sâu dành tặng chiến sỹ vì hậu phương phòng Covid-19
Bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cùng đoàn công tác thăm các Đồn biên phòng Đắc Nô và Đắc Ka, đóng quân trong khu vực Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, giáp với biên giới Campuchia.

Trung tá Lê Xuân Hữu – Chính trị viên Đồn biên phòng Đắc Nô, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cho biết: Đồn biên phòng Đắc Nô thành lập ngày 26/11/2019, nhà ở còn tạm bợ, chỉ có 4 phòng ngủ, cơ sở vật chất thiếu thốn. Cùng với nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới thì các chiến sĩ còn thực hiện nhiệm vụ kép là phòng chống Covid-19. Ban chỉ huy cũng xác định đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, dù rất khó khăn nhưng với tinh thần quyết tâm của cán bộ chiến sĩ không ngại khó khăn, gian khổ, anh em vẫn một lòng đồng tâm, đoàn kết, trách nhiệm để giữ vững chủ quyền an ninh, biên giới. Chốt chặn các đường mòn qua lại không để người và phương tiện xuất nhập cảnh vào khu vực biên giới, vi phạm quy chế biên giới. "Ở vùng rừng thiêng, nước độc, biên giới hiểm trở, vùng sốt rét rừng, các chốt cũng dựng tạm. Các đội ra trực tiếp làm nhiệm vụ ngay tại chốt. Tại đây cũng không có nước sạch, không có sóng điện thoại, không có điện thắp sáng. Anh em chỉ sử dụng đèn pin nhỏ để ăn cơm. Ở đây muỗi rất nhiều, có nhiều bữa ăn cán bộ chiến sỹ phải mắc mùng để ăn cơm. Nay được tặng giàn năng lượng mặt trời là niềm động viên, cổ vũ hết sức to lớn để cán bộ chiến sỹ yên tâm công tác, điện, có tivi để xem. Sinh hoạt học tập không phải thắp đèn dầu", Trung tá Lê Xuân Hữu phấn khởi.

Tại chốt trực phòng chống dịch Covid -19 thuộc Đồn biên phòng Đắc Nô, lán trại nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng, chúng tôi trò chuyện với chiến sĩ trẻ Nguyễn Hải Long:

"Ở đây những hôm trời mưa thì như thế nào?

Mưa thì nó tạt, lạnh và muỗi nhiều.

Ở đây thiếu thốn nhất là gì?

Thiếu điện, nước.

Vậy mình lấy nước ở đâu để sinh hoạt?

Dạ, nước thì cán bộ chở ở trong đồn ra, chủ yếu là nước mưa.

Những hôm trời tối, không có đèn, lại nhiều muỗi thì mình làm như thế nào?

Dạ, đốt nhang muỗi để ăn cơm".

Cũng tại chốt này, Trung úy Điểu Mum – Đội phó đội vũ trang cùng các chiến sĩ trực chiến tại đây cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được mọi người đến thăm và động viên, anh kể đã hơn 6 tháng nay chưa từng về nhà, bản thân phải gác lại mọi việc riêng để bám trụ chung tay cùng đồng đội chống dịch. Trung uý Mum kể: "Mùa mưa túc trực ở đây để tuyên truyền cho người dân hạn chế đi qua lại trong khu vực biên giới. Hướng dẫn phòng dịch cho bà con khu vực biên giới, tuyên truyền cho bà con hiểu và hạn chế đi du lịch hoặc đi thăm bộ đội. Mình là người dân tộc S'tiêng khi tuyên truyền thì vừa nói tiếng dân tộc vừa nói tiếng địa phương nên dễ hiểu".

Còn Đại tá Nguyễn Văn Phương, Chính ủy – Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cho biết: Trong thời điểm diễn ra dịch Covid-19, Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước thành lập 62 chốt cố định, 6 chốt cơ động, tổng số 74 chốt với 282 cán bộ chiến sỹ ở chốt thuộc địa bàn 3 huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập. Trong đó, huyện Bù Gia Mập có 5 đồn biên phòng là Bù Gia Mập, Đắc Ơ, Đắc Ka, Đắc Nô và Đắc Bô. "Bộ đội biên phòng Bình Phước chấp hành rất nghiêm sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương Bộ quốc phòng và Bộ Tư lệnh Bộ biên phòng. Anh em thường xuyên bám trụ các chốt trên biên giới. Một số đồng chí có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Kể cả cha mẹ, vợ con bệnh tật ốm đau cũng không về nhà được. Thậm chí có những đồng chí hai lần đăng ký kết hôn nhưng không về tổ chức đám cưới được. Nhưng anh em xác định quyết tâm làm sao hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trong thời gian chống dịch Covid-19", Đại tá Nguyễn Văn Phương cho biết thêm.

Món quà ý nghĩa giữa rừng sâu dành tặng chiến sỹ vì hậu phương phòng Covid-19
Bà Tô Thị Bích Châu ân cần hỏi thăm chiến sỹ nơi đây.

Đến thăm các chiến sỹ, bộ đội biên phòng, chứng kiến những khó khăn, vất vả của các anh, mỗi ngày phải sống trong lán trại tạm bợ được che bằng tấm bạt trống trước, hở sau; thực phẩm còn thiếu thốn, nước sinh hoạt không có, phải chở từng can nước mưa về để dành cho việc nấu nướng. Ở đây rất xa địa bàn dân cư, không có chợ, không có sóng điện thoại. Bà Tô Thị Bích Châu xúc động khi chứng kiến cuộc sống kham khổ của những người chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Bà mong rằng những gì hành trình này mang đến sẽ phần nào hỗ trợ, động viên và làm vơi bớt khó khăn, giúp các anh yên tâm bảo vệ biên giới. "Chúng tôi thăm động viên các cán bộ chiến sĩ cũng như hỗ trợ các công trình để bộ đội yên tâm bám đất để bảo vệ quê hương. Chúng tôi hỗ trợ đối với Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Phước và Cà Mau. Đó là chương trình nước ngọt giúp chiến sĩ khỏe để yên tâm phục vụ. Chúng tôi hỗ trợ công trình điện năng lượng mặt trời hỗ trợ cho các anh trong sinh hoạt. Do đó cũng rất vui vì những công trình của mình đến rất hiệu quả giúp chiến sỹ yên tâm vì thấy đồng bào TPHCM luôn quan tâm, chia sẻ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào", bà Tô Thị Bích Châu nói.

Món quà ý nghĩa giữa rừng sâu dành tặng chiến sỹ vì hậu phương phòng Covid-19
Bà Tô Thị Bích Châu đại diện Đoàn công tác gửi tiền và vật phẩm đến các chiến sỹ.

Đoàn chúng tôi về lại thành phố, còn các anh - những người chiến sỹ nơi biên giới vẫn tiếp tục hành trình thiêng liêng bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc, tiếp tục làm “lá chắn” vững chắc để hậu phương yên tâm chống dịch. Sẽ chẳng có đủ những ca từ nào để nói hết về những hy sinh của các anh, những người lính trong cuộc chiến thầm lặng và sự sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình góp phần giữ vững trận tuyến. Những hình ảnh đẹp của cán bộ, chiến sỹ mang quân hàm xanh bên bếp lửa sưởi ấm cùng những gói mì từ hậu phương gửi đến các anh, trong đêm trực gác là minh chứng cụ thể về nỗ lực vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh của cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm làm nhiệm vụ gìn giữ bình yên của Tổ quốc.