Một năm sau đại dịch Covid -19 - Hóa giải những đau thương

(VOH) - Trong 3 ngày 18-20/8, tại Việt Nam Quốc Tự, Giáo hội Phật giáo TPHCM tổ chức trọng thể Đại lễ Tưởng niệm - Kỳ siêu đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.

Đại lễ được tổ chức vào dịp tròn 1 năm kể từ đợt bùng phát lần thứ 4 mà TPHCM là nơi chịu ảnh hưởng và mất mát đau thương lớn nhất với hàng chục ngàn người đã mất vì đại dịch. Dù thời gian đã qua đi nhưng trong dòng người ấy, có nhiều người vẫn lặng lẽ khóc thầm, nặng trĩu nỗi đau vợ mất chồng, con mất cha, mẹ già mất đi con, cháu…

Nghi thức rước đạo kỳ
Nghi thức rước đạo kỳ

Tại lễ cầu siêu, chúng tôi gặp một phụ nữ khá đặc biệt, chị Ngô Thị Thu Tâm, chị đến từ rất sớm, lặng lẽ, trầm tư: "Mình đến đây cầu nguyện tất cả các hương linh mau siêu thoát về cõi an lành. Vì mình nghĩ là mình may mắn, mình còn đứng đây và đến với lễ đàn này. Cầu cho đất nước luôn mưa thuận, gió hòa, rồi bệnh tật tiêu trừ, để cho cả nước Việt Nam và thế giới đều được an lành".

Ở một góc sâu phía sau sân chùa, chúng tôi lại thấy một người phụ nữ chắp hai tay lên ngực rất trang nghiêm. Qua trò chuyện, được biết chị tên là Thái Ngọc Bích, ngụ phường 1, Quận 5. Chị từng trải qua cảnh mất mát khi mẹ ruột và chồng cùng qua đời vào lúc dịch bệnh nặng nề nhất. Chị nghẹn ngào trải lòng: “Hoàn cảnh em cũng khó khăn tại vì còn hai đứa con nhỏ. Chồng em là lao động chính trong gia đình. Em còn nuôi một năm nay lớp 8, mấy năm cũng là học sinh giỏi nhưng vừa rồi bị cú sốc đó, cháu học hành đi xuống, chỉ ở mức trung bình. Mình cảm thấy đau lòng lắm vì gia đình 9 người đi cách ly thì mất hết 2 người. Em mong muốn những người đã mất được siêu thoát tại vì những người đã mất đều ra đi mà không có một lời từ biệt với gia đình. Còn đối với em thì trong gia đình có người mất vì dịch bệnh, được nhà nước, quan tâm cũng an ủi được phần nào”.

Hòa cùng dòng người về chùa dự đại lễ, chị Hoa Thị Ngọc Liên, ngụ phường 8, Quận 5 cũng có mẹ ra đi trong đại dịch, tâm sự: “Gia đình có 4 người nhưng 3 người phải đi cách ly, chỉ có hai chị em về được. Còn mẹ thì bị nặng rồi mất luôn. Ban đầu hai chị em cũng nhắn tin hỏi bác sĩ về mẹ thì lúc đầu họ trả lời mẹ em bị khó thở, cần gắn máy trợ thở. Rồi sáng hôm sau, mẹ mất".

Một năm sau đại dịch Covid -19 - Hóa giải những đau thương 2

Lãnh đạo TP vân tập đàn tràng tưởng niệm các hương linh tử vong trong đại dịch Covid-19.

Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Văn hóa Phật giáo TPHCM cho biết, Đại lễ là lúc để mọi người cùng ngồi lại với nhau, hóa giải những đau thương, cầu nguyện cho những người đã khuất được thanh thản và người còn sống được an lành, hướng về phía trước. Những khó khăn không thể san sẻ cùng nhau trong đại dịch, thậm chí những người mất không nói được lời tiễn biệt hay một lễ nghi nghiêm túc. Vì vậy, lễ trai đàn được tổ chức trong ba ngày với ý nghĩa: cầu cho người được siêu thoát, cũng là cầu cho xã hội quốc gia được thái bình, thể hiện văn hóa tình người, văn hóa tri ân, báo ân của dân tộc Việt Nam.

"Khi một ánh nến cầu nguyện được thắp lên thì có hơi ấm và đó chính là tình thương. Và trong ánh nến có ánh sáng, ánh sáng đó là trí tuệ. Con người, dù âm hay dương, xanh hay tử, thì cần phải có trí tuệ, cần phải có tình thương thì mới đi được trên con đường lành. Và một ý nghĩa nữa, buổi lễ này, mang tính sám hối. Sám hối những lỗi lầm, người mất cũng phải sám hối, người còn cũng phải sám muối và tất cả chúng ta cùng sám hối với nhau, với những khiếm khuyết, những lỗi lầm, những vụng dại, những điều mình đã đối xử với nhau mà không tốt đẹp... để có được cuộc sống tốt đẹp hơn”, Thượng tọa Thích Trí Chơn chia sẻ thêm.

cầu siêu, thắp nến tưởng niệm đồng bào tử vong do dịch COVID-19
Cầu siêu, thắp nến tưởng niệm đồng bào tử vong do dịch COVID-19

Cùng với Đại lễ Tưởng niệm - kỳ siêu, Giáo hội Phật giáo TPHCM còn tặng quà cho 1.000 gia đình có người thân mất vì Covid-19 còn khó khăn và ủng hộ Quỹ vì người nghèo một tỷ đồng. Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM nhấn mạnh: “Trong Đại lễ cầu siêu cho những người đã mất vì đại dịch Covid-19 là một nội dung mang ý nghĩa tinh thần để động viên cho người thân đang có những nỗi đau chưa vơi được. Để tưởng nhớ những mất mát đó, Ban trị sự tổ chức Đại lễ tưởng niệm, mong phần nào xoa dịu và cầu nguyện cho những hương linh đó về nơi siêu sanh tịnh độ”.

Sau Đại lễ, một bia đá tưởng niệm các nạn nhân mất vì Covid-19 sẽ được đặt tại Việt Nam Quốc tự để ghi dấu nỗi đau thương của những người nằm xuống, nhắc nhở người còn sống, đặc biệt là thế hệ trẻ phải nhớ ơn những người đã hy sinh nơi tuyến đầu chống dịch. Đồng thời, mong muốn xoa dịu phần nào nỗi buồn vương vẫn còn âm ỉ nơi những người có thân nhân qua đời trong đại dịch, cùng nhau hướng tới tương lai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn sau một năm nhiều biến cố...